_____________________________________________________________
On Apr 7, 2020, at 10:39 AM, “vntuluc@yahoo.com” <vntuluc@yahoo.com> wrote:
Kính thưa quý vị Giáo sư và quý Niên trưởng,
Kính thưa GS Bích và GS Song Thuận,
Về việc che mặt để giảm thiểu lây lan COVID-19, xin cho chúng em biết nên dùng chữ “khẩu trang” hay “mặt nạ” khi chuyển dịch từ chữ “mask” sang?
Kính,
LyLy
Góp ý – GS Thieu V Vo
On Tue, Apr 7, 2020 at 12:31 PM Thieu V Vo <thieuvo@sbcglobal.net> wrote:
Kính thưa quý Thầy Cô và Quý VịTheo tôi dùng chữ khẩu trang cũng không chính xác cho lắm! Nó có vẻ Tàu lai! Nhưng lâu nay bên CSVN dùng nhiều vì họ chạy xe gắn máy che miệng lại để chống khói xăng độc! Ai cũng hiểu được khẩu trang là cái gì!!Dùng để che miệng thì “khẩu trang” khá đúng!Nay với vụ Coronavirus đa số che cả mũi và miệng thì “khẩu trang” không còn đúng 100%!Tuy nhiên người ta hiểu mình muốn nói cái gì!Cách nói hay nhất là “miếng vải che mũi miệng”Hơi dài, tiếng Việt rõ ràng và chính xác!Nhưng không sai !!!Còn mặt nạ thì trong trường hợp này sai! Đâu có che hết cả khuôn mặt mà nói là mặt nạ!Chữ mask bên tiếng Anh theo tôi hơi nghèo hơn Tiếng Việt vì nó chỉ chung chung cái gì che kín hết mặt hay một phần là…mask!!! Mặt nạ khi mang vào mình không nhận người đó là ai!! Đây là suy nghĩ của tôi! Xin nghe nhiều ý kiến hay hơn đúng hơn của các Thầy Cô và quý vị!Thank You
Góp ý – GS Nguyễn Song Thuận
Thưa quý vị,
Theo tôi hiểu, có nhiều “chữ ghép” hay (từ ghép) không phải là “Hán tự chính thống” ạ (Người Tầu không nói hay viết như thế). Thí dụ “khám đường” ta hiểu là “nhà tù” (nhưng đối với người Tầu, “ngục thất” mới là nhà tù), mặc dù tách riêng từng chữ: “khám” và “đường” đều có nguồn gốc nghĩa từ chữ Hán.Tương tự, người Hán có lẽ không định nghĩa chữ “khẩu trang” như ta nghĩ (Ta hiểu trang là trang phục, quần áo, khăn tay… và có chữ “khẩu = mồm, miệng, nên hiểu là “khăn che miệng”). Tôi tra HVTĐ của Đào Duy Anh, không thấy “khẩu trang”.
Tra “Đại TĐ” của N.N.Ý: “Khẩu trang” dt. Đồ bằng vải được may nhiều lớp, có dây đeo, dùng để che miệng, che mũi, chống bụi bậm, độc khí hoặc chống rét: Khi vào phòng mổ các bác sĩ đều đeo khẩu trang.
Vả lại chữ “khẩu” cũng có nhiều nghĩa lắm ạ!
ST
Góp ý GS Trần Huy Bích
On Wednesday, April 8, 2020, 09:33:26 PM PDT, HBTran <huybichtran@gmail.com> wrote:
Tôi thành thật xin lỗi cô LyLy ở chỗ đã không viết trả lời ngay từ hôm qua. Giữa giai đoạn hiện nay, đúng là chúng ta cũng có khá nhiều mối quan tâm khác. Cũng cám ơn thầy Thiệu đã viết khá cặn kẽ khi phân tích các tiếng “khẩu trang” và “mặt nạ.”
Một số người không thích tiếng “khẩu trang” vì đó là một từ gốc Hán, và cho rằng trong nước đã sao chép từ ấy của CS Trung Hoa (cũng như họ đã sao chép một số từ khác của người Tàu như “nhập khẩu, xử lý, đăng ký, tham quan …”). Riêng với từ này, tôi xin được … “bào chữa” cho bà con trong nước.
Để dịch ý “medical mask,” người Trung Hoa dùng từ口罩 kŏuzhào (khẩu trạo). Đôi khi họ nói rõ là 醫用口罩 yī yòng kŏuzhào (y dụng khẩu trạo).
Chữ 罩 (trạo, cũng phát âm là “tráo”) ở bộ Võng (= lưới), có nghĩa là “che, phủ lên.” “Y dụng khẩu trạo” là “vật để che miệng dùng trong y khoa.” Với người TH, từ ấy dùng cho ý “medical mask” rất thích hợp. Phía sau là hai đoạn về từ ấy trong Anh Hán Từ Điển do Đại học Oxford ấn hành (= Oxford Advanced Learner’s English-Chinese Dictionary) , ấn bản năm 1989, được in lại năm 2002; và trong The Pinyin Chinese-English Dictionary (= Hán Anh Từ Điển) của Beijing Foreign Language Institute (Beijing ; Hong Kong : Commercial Press, 1983).
Chúng ta thấy từ “khẩu trang” trong nước đang dùng không phải là “sao chép của Tàu.” Công bình mà nói, “khẩu trang” cũng chưa phải một từ hoàn hảo vì mới chỉ có nghĩa “trang phục cho miệng” (không nói gì tới mũi). Nhưng dù sao, từ này đã được đưa vào Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học trong nước, do Gs. Hoàng Phê chủ biên (bản in năm 2003, trang 496), và đã trở nên thông dụng với bà con trong nước. Nha sĩ Cao Minh Hưng có lý khi nghĩ rằng chúng ta có thể dùng.
Nhưng từ ấy chưa hoàn hảo (dùng chữ Hán, phạm vi chưa đủ). Thầy Thiệu cũng có lý khi muốn tìm một từ tiếng Việt thuần túy. Từ “miếng vải che mũi miệng” thầy đề nghị rất chính xác nhưng quả là hơi dài. Tôi không rõ làm ngắn hơn đôi chút như “khăn che mũi miệng” hay “khăn che miệng” đã được chưa, xin các thầy các cô cân nhắc, bàn thảo thêm. Trong tiếng Anh, cũng có chỗ gọi là “mask,” có chỗ gọi là “mouth covering.” Một vật có nhiều tên khác nhau là chuyện thường.
Trong tiếng Việt, cũng nhiều trường hợp một vật (hay con vật) có 2, 3 tên. Con hổ có khi được gọi là con cọp, con hùm, hay “ông ba mươi,” chúng ta đều hiểu cả. Con mèo cũng được gọi là con mãn hay con miu. Dùng từ “khẩu trang” đã thông dụng ở trong nước (như nha sĩ CM Hưng), hay cố làm ngắn hơn từ thầy Thiệu đề nghị (miếng vải che mũi miệng), đều là những việc làm có lý và hữu ích. Mong cô LyLy sẽ hài lòng.
Thân quý,
thb
Góp ý
On Thursday, April 9, 2020, 1:04:15 AM PDT, vntuluc@yahoo.com <vntuluc@yahoo.com> wrote:
Kính thưa quý vị Giáo sư và quý Niên trưởng,
Kính thưa GS Bích và GS Song Thuận,
Chúng em cảm ơn thầy Thiệu, nhà văn Bích Huyền, nha sĩ CM Hưng, quý niên trưởng Lân và Triều cùng 2 giáo sư Thuận và Bích đã bỏ thì giờ phân tích, hướng dẫn và chia sẻ suy nghĩ về các chữ “khẩu trang, mặt nạ”. Chúng em cũng mong là GS TC Trí sẽ góp ý trong câu hỏi này vì GS Trí rất gần gũi với các sinh viên đại học Mỹ gốc Việt.
Với chủ trương ủng hộ “tiếng Việt trong sáng” và trong môi trường dạy Việt ngữ, chúng em xin phép sẽ dùng “khăn che” khi nói/viết văn tắt, và đầy đủ hơn: “khăn che miệng mũi” khi cần nói/viết chi tiết và chính xác hơn. Cảm ơn GS Bích đã dẫn dắt những nguồn tự điển. Chúng em noi theo phương thức làm việc đó và xin trình bày suy nghĩ của mình nay đã được học hỏi từ quý Giáo sư và quý Niên trưởng.
Chúng em cũng có được quyển Tự Điển Tiếng Việt vủa Viện Ngôn Ngữ Học xuất bản, ấn bản lần thứ bảy, đợt 2, năm 2000 – cũng trang 496 có định nghĩa của “khẩu trang” như GS Bích đã trích dẫn. Nhưng cũng trong quyển tự điển này, là những định nghĩa của “sự cố”, “liên hệ”, “giáo viên”, “động viên” v.v…. đã và đang được dùng thiếu rõ ràng và một cách nghèo nàn từ sau 1975, khiến cho chúng em rất e dè, thường chỉ tham khảo để hiểu nghĩa muốn diễn đạt trong ngôn từ và các bài viết sau 1975 – nhưng không nhất thiết dùng đến nó trong đối thoại với mọi người, nhất là với các học trò Việt ngữ. GS Bích cũng đã trích dẫn ý nghĩa của chữ “mask” theo tự điển Hán Anh do ĐH Oxford ấn hành, “covering the face, or part of it” – hoặc ngay cả tự điển uy tín thuần Mỹ là Merriam-Webster (www.m-w.com) cũng định nghĩa tương tự như thế.
Rõ ràng chúng ta nhìn ra “khẩu trang” là thiếu chính xác, tuy nó đã được ra đời sau “sự cố” 1975 – vì ngôn ngữ vốn dĩ là “sinh” ngữ, cần/phải có thêm bớt với thời gian. Người miền nam Việt Nam thuở trước 1975 đâu phải dùng đến khăn che miệng mũi mỗi ngày, mỗi khi ra đường như bây giờ, cho nên 2 chữ “khẩu trang” là sản phẩm của thời hậu VNCH. Nếu phải chọn giữa: nghiêng về Hán Việt hay gốc nghĩa Hán Anh/Merriam-Webster, thì chúng em chọn Hán Anh/Merriam-Webster. Định nghĩa “mặt nạ” trong tự điển Việt Nam không “thoáng” bằng định nghĩa “mask” của tiếng Anh (xin lỗi được suy nghĩ ngược lại với thầy Thiệu) nhưng lại rất đồng ý với thầy Thiệu để chọn dùng những chữ Việt đơn giản và rõ nghĩa hơn. Tuy nhiên “mask” được biến chế từ nhiều chất liệu khác nhau, tùy nhu cầu, và không nhất thiết là từ vải.
Tóm lại, xin thưa:- “Chúng em bức xúc, khẩn trương liên hệ với quý giáo viên và quý học giả về những sự cố từ vựng, nhưng hiện với phong trào động viên chống đại địch, nhắc mọi người mang khẩu trang khi ra khỏi nhà sẽ đem lại nhiều phúc lợi cho bản thân và mọi người”.Thì:- “Chúng em liên lạc với quý giáo sư và quý niên trưởng mong để tham khảo về những chữ nghĩa còn khá mới mẻ trong cộng đồng tỵ nạn, ngõ hầu cùng nhau đẩy mạnh việc mang khăn che miệng mũi để làm giảm lây lan mỗi khi cần ra khỏi nhà trong thời điểm đại dịch này.”
Nếu chúng ta có thể tiếp tục thảo luận hoặc tìm hiểu thêm để đưa đến việc cùng đồng ý dùng thống nhất trong cộng đồng tỵ nạn thì “khăn che” hoặc “khăn che mũi miệng”, hoặc một cụm chữ nào khác hay hơn, sẽ trở thành một tiếng Việt trong sáng và quen thuộc, được phổ biến thay cho “khẩu trang”. Rất mong quý giáo sư và quý niên trưởng châm chước cho những suy nghĩ non trẻ của chúng em.
Kính mến,
LyLy
Góp ý GS Nguyễn Song Thuận
Kính thưa quý vị,
Như vậy, chúng ta có các “từ”: “khẩu trang”, “khăn che mũi miệng”, “mặt nạ y tế”… Chính tả tiếng Việt được “giàu” thêm chữ …
Tôi đồng ý với quý vị là từ ngữ “khẩu trang” chưa… toàn hảo 100%. Tuy nhiên, đây không phải là tiếng … người Tầu dùng (thay cho chữ “mask y tế”)… Vả lại, khi ta viết ” khẩu trang”, người Tầu không biết và không hiểu ta viết gì, phải không ạ? Như vậy, từ ngữ “khẩu trang” là… chữ Việt hẳn hoi… có dấu hỏi.. không giống chữ Tầu tí nào cả…
Một điều nữa, một số người đã lầm “định nghĩa” với “danh từ” rồi “ngây ngô” gọi… “xưởng đẻ”… “người lái”… “máy bay lên thẳng”…
Ngoài ra… “chữ Hán” mà người Tầu dùng ngày nay, “có thể” là do… Tổ tiên ta sáng chế… và góp công sức không nhỏ để hoàn thiện… (việc này… xin nhà biên khảo Phạm Trần Anh lên tiếng).
Mục đích của chúng ta là “Thống nhất cách viết chữ Việt” và “dùng tiếng Việt một cách trong sáng, rõ ràng”… Xin cám ơn sự đóng góp ý kiến của toàn thể quý vị.
Song Thuận