NGỮ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT

ĐỀ TÀI 3:
NGỮ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT

HINH TRAN CHAN TRI
TRẦN C. TRÍ
University of California, Irvine
HỌC VẤN
 Ph.D. & M.A. Ngôn ngữ học các thứ tiếng gốc La-tinh, University of California, Los Angeles.
 B.A. Ngôn ngữ học Tây Ban Nha, University of California, Irvine.
GIẢNG DẠY
 Ngôn ngữ học tổng quát & các thứ tiếng gốc La-tinh.
 Ngôn ngữ học Tây Ban Nha, Pháp và Việt Nam.
 Văn chương và văn hoá Việt Nam.
 Tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Anh.
HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC VÀ VĂN HOÁ
 Các khoá Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm Hè (Ban Đại Diện các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California).
 Sổ tay chính tả tiếng Việt (Câu lạc bộ Hùng Sử Việt, Nam California).
SÁCH XUẤT BẢN
 Vietnamese Stories for Language Learners: Traditional Folktales in Vietnamese and English Text – Tuttle Publishing, Vermont,2017.
 Portal to Spanish: Learn Spanish the Natural Way! – Portal Language Schools, Costa Mesa, California, 2015.
 Hành Trình Văn Hoá – A Journey through Vietnamese Culture – A Second-Year Language Course. University Press of America, Lanham, Maryland, 2013.
 Hành Trang Ngôn Ngữ – Language luggage for Vietnam: A First-Year Language Course. University Press of America, Lanham, Maryland, 2013.
 El español para vietnamitas – Tiếng Tây BanNha cho người Việt – LangArts Publishing, California, 2010.
 Gapping in Spanish – A Minimalist Account – Lambert Academic Publishing, Saarbrücken, Germany, 2009.
 Ngôn Ngữ và Văn Hoá – A Course in Intermediate Vietnamese – California State University, Long Beach, 2008.
 Chào Bạn! An Introduction to Vietnamese. University Press of America, 2007.
 Bilingual Dictionary for Students of Linguistics – Diccionario bilingüe para estudiantes de lingüística – University Press of America, Lanham, Maryland, 2006.


NỘI DUNG ĐỀ TÀI 3:
MỘT SỐ ĐIỂM CHÊNH LỆCH GIỮA CHÍNH TẢ VÀ NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT

Trần C. Trí
University of California, Irvine
I. Dẫn nhập
Những điểm chênh lệch giữa chính tả và ngữ âm trong tiếng Việt là một biểu hiện của tính tương đối của chính tả (hai đặc điểm kia là tính tuỳ tiện và tính ước lệ). Trong một hệ thống chính tả “lý tưởng”, một âm phải luôn luôn được biểu hiện bằng một và chỉ một chữ cái hay ngược lại, một chữ cái lúc nào cũng có một cách phát âm nhất định. Trong thực tế, điều này là điều không thể có trong bất cứ hệ thống chính tả nào của các thứ tiếng trên thế giới mà tiếng Việt không phải là một ngoại lệ.
II. Nội dung
Sự chênh lệch giữa chính tả và ngữ âm tiếng Việt được ghi nhận qua những trường hợp sau đây.
1. Một âm được biểu hiện bằng nhiều chữ cái
Một trong những ví dụ của trường hợp này là âm [k] được biểu hiện bằng ba chữ cái “c”, “k” và “q”. Để ước lệ hoá cách dùng ba chữ cái này, ba luật lệ được xác định là:
1.1 “c” đứng trước các chữ cái biểu hiện nguyên âm giữa và sau (a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư) (cá – cắn – câu – co – cô – cơ – cu – cư) hay đứng ở cuối vần (các – cúc – cốc).
1.2 “k” đứng trước cái chữ cái biểu hiện nguyên âm trước (i, y, e, ê) (kinh – kỳ – kẹo – kết).
1.3 “q” đứng trước bán nguyên âm [w]. được biểu hiện bằng chữ “u” (quà – quý – quân).
2. Một chữ cái được biểu hiện bằng nhiều âm
Trong những ví dụ dưới đây, chữ “a” trong chính tả tiếng Việt được dùng để biểu hiện ba âm khác nhau.
2.1 Chữ “a” biểu hiện nguyên âm [a]
Trường hợp này tìm thấy trong đa số các cấu trúc vần như vần mở (ca, la, qua, hoa), vần khép bằng đa số các phụ âm (can, lang, tam, cát, hạp) hay bằng bán nguyên âm [j,w] (hai, lai, hao, lao).
2.2 Chữ “a” biểu hiện nguyên âm [ɐ]
Ký hiệu phát âm [ɐ] chính là chữ “ă” trong chính tả. Trong trường hợp này, nhiều chữ đáng lẽ phải viết với chữ “ă” hay âm [ɐ] mà vẫn viết với chữ “a”. Luật lệ áp dụng trong trường hợp này là âm [ɐ] vẫn được viết là “a” khi theo sau là chữ “u” (cau, lau) hay chữ “y” (cay, lay) và phụ âm mũi viết là “nh” (nhanh, lanh).
2.3 Chữ “a” biểu hiện bán nguyên âm [ə]
Trong những chữ như “kia”, “mua”, “xưa”, chữ “a” không được phát âm trọn vẹn mà gần giống như cách phát âm của chữ “ơ”. Đó là vì những chữ trên có chứa nhị trùng âm, gồm một nguyên âm [i, u, ɯ] và một bán nguyên âm nghe như nửa của âm [a], được ký hiệu bằng [ə].
3. Có chữ mà không có âm
Âm [g] trong tiếng Việt được biểu hiện bằng chữ cái “g” trước các phụ âm giữa và sau (ga, găng, gân, go, gô, gơ, gu, gư) và bằng chữ kép “gh” trước các phụ âm trước (ghe, ghê, ghi).
Từ luật này, chúng ta còn mở rộng ra với chính tả biểu hiện âm [ŋ]:Chữ kép “ng” dùng trong những chữ “ngan, ngăn, ngân, ngo, ngô, ngơ, ngu, ngư” và chữ kép “ngh” dùng trong những chữ “nghe, nghê, nghi”.
4. Có âm mà không có chữ
Ngược lại với trường hợp trên, trong chính tả tiếng Việt lại có những chữ không biểu hiện hết tất cả các âm của chữ đó. Ví dụ những chữ “không, khung” có chứa âm [m] ở cuối vần nhưng âm này không được biểu hiện trong chính tả. Hay những chữ “cúc, học, cóc, cốc” có chứa âm [p] ở cuối vần mà cũng không được thể hiện qua chính tả.
III. Kết luận
Trong việc dạy tiếng Việt đối với thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại, những điểm chênh lệch chính nêu trên cần được giải thích rõ ràng. Có một sự khác nhau lớn lao giữa người Việt trong nước học tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và người Việt hải ngoại học tiếng Việt như một ngôn ngữ di sản của gia đình.