PHỤ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT

ĐỀ TÀI 5:
PHỤ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT

Tammie Na TranDiễn giả: TS Trần Minh-Tâm Tammie

Vài hàng Tiểu sử

Học vấn
 Tiến sĩ Ngành Giảng Dạy Tiếng Anh (Ph.D. in TESOL)
 Thạc sĩ Ngôn Ngữ Học (M.A. in Linguistics)
 Cử nhân Ngành Quản Trị Kinh Doanh (B.S. in Business Administration)
 Cử nhân Ngành Tiếng Anh (B.A. in English)
Kinh nghiệm giảng dạy
 Tiếng Việt, University of California, Irvine; University of California, Los Angeles, CA
 Tiếng Anh và Tiếng Việt, Golden West College, Huntington Beach, CA
 Tiếng Anh và tiếng Việt, Long Beach City College, Long Beach, CA
 Tiếng Việt, Orange Coast College, Costa Mesa, CA
Bằng khen
 Professional Development Award, Executive Vice Chancellor’s Office, UCI, 2011 & 2009
 Outstanding TESOL Leadership Award and Scholarship, AIU, 2006
 “Teacher of the Year” Award, GWC, 2016, 2017, 2018;
Thuyết trình (mỗi năm, 2003 – hiện nay, ở các trường đại học, đề tài về ngành ngôn ngữ học)
UW, Madison, WI; UCSD; UCLA; CSUF; CSULB; LA Habor College; Biola University; TAVIET-LCS;  …
Một vài tác phẩm đã được xuất Bản (2003 – hiện nay)
Sách Tiếng Việt (Năm 1 và Năm 2), NXB University Press of America; NXB Cal State University, Long Beach (Năm cuốn, được soạn chung với Giáo sư Trần Chấn Trí)
Sách Tiếng Việt (Bài tập, Năm 2), NXB Cal State University, Long Beach
Báo Tiếng Anh, NXB Cal State University Fullerton; NXB Cal State University Long Beach; …


NỘI DUNG ĐỀ TÀI 5:
PHỤ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT


I. Giới thiệu

Phụ âm hay nguyên âm đều có những đặc điểm quan trọng riêng của nó. Phụ âm, như được thể hiện qua tên gọi, là những chữ cái/hay âm (Ví dụ: b, c, đ, ng, … /be/, /se/, /de/, /ɛnә ӡe/ …; /b/, /k/, /d/, /ŋ/) chưa thể tự thành lập được một chữ có nghĩa mà còn phụ thuộc vào nguyên âm. Một mặt phụ âm phụ thuộc vào nguyên âm; mặt khác sự nhẫm lẫn từ phụ âm này sang phụ âm khác có thể làm thay đổi thành một chữ khác và mang ý nghĩa hoàn toàn khác (ví dụ: “ch”, “tr” trong “che” (động từ) và “tre” (danh từ)). Ngoài ra, có những chữ có âm tương tự do biến thể khác nhau trong các phương ngữ được hiểu theo nghĩa giống nhau có đúng/chấp nhận được hay không, ví dụ như “tr”, “gi” trong “trời”, “giời”?

II. Phân loại phụ âm

Trong tiếng Việt, có ba loại phụ âm: Phụ âm đơn (ví dụ: c, n), phụ âm ghép đôi (ví dụ: ch, ng), và phụ âm ghép ba (ví dụ: ngh). Chúng ta cũng cần phân biệt hai loại này, (tên gọi của) chữ cái và âm, khi học và đọc một chữ cái. Chữ cái “b” có tên gọi chữ cái được đọc là /be/ (theo phiên âm quốc tế (IPA (International Phonetic Alphabet)) và âm là /b/ (được đọc: /bә/) (theo IPA).

III. Vị trí của phụ âm

Phụ âm trong tiếng có thể được tìm thấy ở ba vị trí: vị trí đầu của một chữ (1), vị trí cuối của một chữ (2), và vị trí đầu hay cuối của một chữ (3). Có những chữ chỉ ở vị trí đầu của một chữ (1) (ví dụ: “b” – bà); hay chỉ ở vị trí cuối của một chữ (2) (ví dụ: “p” – lập); và có những chữ có thể xuất hiện ở vị trí (1) và (2) (Ví dụ: “n” – non, ngon).

Nói về cách phát âm, chúng ta cũng cần nhắc đến cách phát âm của một vài phụ âm cuối trong tiếng Việt khác với trong tiếng Anh hay các ngôn ngữ khác. Mong các bạn thử để ý “c”, “p”, ‘ng” ở vị trí cuối chữ: “c” ở vị trí cuối chữ – “đọc”, “p” ở vị trí cuối chữ – “lớp”, “ng” ở vị trí cuối chữ – “ông”. Trong hội nghị sắp đến, chúng ta sẽ thảo luận thêm để tìm hiểu cách đọc này có những điểm đặc biệt như thế nào.

IV. Sự biến đổi về âm và lý do

Ngôn ngữ nào trên thế giới cũng có sự thay đổi và biến âm vì những lý do ngẫu nhiên hay có chủ ý (“khách quan” hay “chủ quan”). Tiếng Việt của chúng ta cũng có những biến âm do có sự ảnh hưởng từ các ngôn ngữ trên thế giới (tiếng La Tinh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, …), do giọng đọc địa phương, do việc chưa hiểu rõ về nguồn gốc/lịch sử, hay những biến thể hiện nay đang cần được tham luận vì chưa biết rõ lý do tại sao có những biến thể ấy. Chúng ta nên nói “xử dụng” hay “sử dụng”, “chia xẻ” hay “chia sẻ”?
Trong hội nghị lần này, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn về bảng biến đổi âm chi tiết của các chữ để hiểu rõ hơn những chữ ấy có sự biến đổi âm vì lý do gì, theo cách biến đổi như thế nào, và sự biến âm có thể mang lại thuận lợi hay bất tiện cho người học. “Giòng nước ngược” (1934) (Tú Mỡ), “Giòng sông Thanh Thủy” (1961) (Nhất Linh), “Dấu vết dòng sông” trong bài thơ của Phan Nam (Báo Người Việt, 14/2/2018), cũng như nhiều “dòng sông” khác mà mỗi chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày có thể làm không ít người thắc mắc và không biết “theo” “d” hay “gi”?

V. Thảo luận về khả năng thay đổi một vài chữ cái

Ngôn ngữ trên thế giới thay đổi theo thời gian. Tiếng Việt thay đổi theo thời gian và làm xuất hiện nhiều biến thể khác nhau tạo nên những sự phức tạp trong ngôn ngữ có dấu thanh này. Mặc dù vốn đã có 40 chữ cái trong tiếng Việt (12 nguyên âm, 17 phụ âm đơn, 10 phụ âm ghép đôi, 1 phụ âm ghép ba), có ý kiến cho rằng chúng ta nên thêm những phụ âm sau trong bảng chữ cái tiếng Việt: F, J, Z. Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận khả năng này, cũng như nghĩ đến những thuận lợi và bất tiện có thể xảy ra khi thêm vào những chữ đó.

VI. Kết luận

Phụ âm là một trong những bài học đầu tiên, căn bản, và quan trọng cho những lớp ngôn ngữ. Chúng ta cần có những bài tập phù hợp về phụ âm để giúp người học thực hành phụ âm và đặc biệt nhớ các phụ âm dễ nhầm lẫn (“ch”, “tr”, “s”, “x”, …). Có những trường hợp cần những bài tập chọn câu trả lời A, B, C, hay D (bài “trắc nghiệm”) để nhận biết các âm nhanh chóng, hay có khi cần các bài viết văn để cùng một lúc dùng nhiều chữ cái/âm trong một bài. Học thuộc lòng ngữ vựng và hiểu rõ ngữ nghĩa kèm theo là một trong những cách luyện tập chính tả và dùng đúng ngữ vựng trong từng ngữ cảnh thích hợp: ví dụ như “ch” và “tr” trong câu sau tạo nên những chữ khác nhau và mang nghĩa khác nhau, “tre”, “che”: “Chị ấy dùng lá tre để che nắng.”