Đề Tài và Diễn Giả

7 DIEN GIA - HINH

* ĐỀ TÀI 1:
NHỮNG PHỨC TẠP TRONG CÔNG VIỆC PHÁT TRIỂN TIẾNG VIỆT.
* ĐỀ TÀI 2:

QUY ƯỚC THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ CHỮ VIỆT
* ĐỀ TÀI 3:
NGỮ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT
* ĐỀ TÀI 4:

THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT VÀ NGỮ ÂM CỦA PHƯƠNG NGỮ BA MIỀN
* ĐỀ TÀI 5
PHỤ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT
* ĐỀ TÀI 6
TÌM HIỂU TỪ-NGỮ GỐC “HÁN”
* ĐỀ TÀI 7
ĐỌC CHỮ CÁI

** TÀI LIỆU ĐẶC BIỆT: CHƯƠNG I: TỔNG QUÁT trong bộ sách SỔ TAY CHÍNH TẢ – TẬP 1


ĐỀ TÀI 4:
THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT VÀ NGỮ ÂM CỦA PHƯƠNG NGỮ BA MIỀN

HINH HVC SAM_1145Tiểu Sử Tiến Sĩ Cao Văn Hở

Học Vấn:
Cử Nhân Đại học Văn Khoa, Văn Minh Việt Nam, Saigon, 1967
Cao học Hành Chánh, Kinh Tế – Tài Chánh, Viện Q.G. Hành Chánh, Saigon, 1965 – 68
Ph.D, Economics-Finance, Georgetown University, Washington D.C., 1973
Teaching Credentials, Orange County School District.

Các hoạt động Hành Chánh và Chuyên Môn

Trước 1975:

– Chánh Sự Vụ Văn Hoá Xã Hội, Phủ Thủ Tướng
– Phụ Tá Tổng Trưởng Tài Chánh (Assistant Minister of Finance)
– Ủy Viên, Ủy Ban Quốc Gia Dầu Hỏa (Petroleum and Mineral Board).
– Thành viên, Hội Đồng Quốc Gia – Văn Hoá Xã Hội
– Phó Khoa Trưởng Đại Học Kinh Thương, Viện Đại Học Minh Đức.
– Giáo Sư Kinh Tế và Tiền Tệ Tín Dụng, giảng dạy tại Học Viện Q.G. Hành Chánh, Kinh Thương Minh Đức, Viện Đại Học Vạn Hạnh, và Viện Đại Học Cần Thơ.

Sau 1975:

– Chuyên gia Kinh Tế và Cố Vấn Tín Dụng (Economist/Credit Consultant), Bank of America / Commercial Banking Division.
– Cố Vấn Dự Án (Project Consultant), Tenet Health Care Corp.
– Thỉnh giảng về Kinh Tế và Thương Mãi Quốc Tế, Chapman University.
– Biên khảo nghiên cứu và sáng tác thi văn dưới bút hiệu Cao Kiều Phong.
– Chủ bút đặc san Hoài Bão Quê Hương, Hội Quốc Gia Hành Chánh, và đặc san Tiền Giang
– Tham gia Phong trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa với tư cách Sáng Lập Viên và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát.
– Tham gia Mạng Lưới Nhân Quyền và là thành viên Hội đồng Giám Sát.
– Thành viên, Ban Quản Trị Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt
– Tham gia Nhóm Biên Soạn Từ Điển Việt Nam.

Hiện đang về hưu tại Orange County, California.

 


NỘI DUNG ĐỀ TÀI 4:
THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT VÀ NGỮ ÂM CỦA PHƯƠNG NGỮ BA MIỀN

Trước khi vào đề, vài nhận định và chia sẻ

Thứ nhất “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Ngôn ngữ Việt Nam đã có từ thời lập quốc. Dân tộc Việt có một tiếng nói riêng, một ngôn ngữ riêng biệt. Người Việt nói và xử dụng tiếng Việt trong mọi giao tiếp, sinh hoạt giao dịch hàng ngày, trong nghệ thuật, văn chương và văn hóa. Logo của Hội nghị Thống Nhất Chính Tả năm 2018 nói lên nhu cầu khẩn thiết cần bảo vệ và duy trì sự tồn tại của tiếng Việt.
Thứ hai, tôi nhắc lại câu nói của thi sĩ Tản Đà: “Chữ quốc ngữ là chữ nước ta”. Câu nói này của nhà thi sĩ là một nhắc nhở cho mọi thế hệ, mọi công dân Việt phải học và trau dồi tiếng Việt. Chữ quốc ngữ là văn tự của toàn thể dân tộc, của gần 100 triệu người Việt Nam. Chữ viết của nước ta là chữ Việt, không phải là chữ Hán ngoại lai.
Thứ ba, quả thật “Chữ quốc ngữ viết theo kí hiệu La Tinh là một ân sủng Trời ban” cho dân tộc Việt. Các giáo sĩ Tây phương, Bồ Đào Nha và Pháp đã mang tới cho người Việt Nam món quà vô cùng quý báu. Món quà ngôn ngữ này chắp cánh cho tiếng Việt bay bổng ngàn dặm, có khả năng đứng vững, tồn tại và phát triễn muôn đời.
Trên khía cạnh chữ viết, chữ quốc ngữ đã hình thành có hệ thống và quy tắc. “Viết đúng chính tả cần phát âm đúng”. Có nhận xét cho rằng“đọc sao viết vậy”, hàm chứa ý nghĩa, theo giọng đọc, nghe sao viết vậy. Chung quy, tầm quan trọng của viết đúng chính tả tùy thuộc vào giọng phát âm. Ngữ âm ba miền Bắc, Trung và Nam đặt ra vấn đề giọng nào là chuẩn? Công cuộc thống nhất chính tả trở thành chuẩn hóa cách và giọng phát âm cho cả nước. Vấn đề trở nên phiền toái, đa dạng và phức tạp.
Đặc điểm của Tiếng Việt
Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập (isolating language), tức là một ngôn ngữ cách thể, mỗi tiếng mang một âm tiết được phát âm tách rời nhau. Âm tiết của mỗi tiếng được phát ra với một thanh điệu và tách rời với âm tiết khác. Tiếng Việt là một ngôn ngữ âm tiết tính. Mỗi âm tiết được phát âm liền một hơi, có thể phân tách là một cấu tạo lắp ghép gồm từng bộ phận. Cấu tạo âm tiết tiếng Việt có thể hình dung trong một mô hình gồm âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối. Âm đầu có chức năng mở đầu âm tiết, luôn luôn có mặt, hoặc là một phụ âm đầu hay một âm tắc thanh hầu. Phần sau của âm tiết được gọi là phần vần, tạo bởi ba bộ phận: âm đệm nếu có, âm chính và âm cuối. Ít nhất hai yếu tố tối thiểu cần phải có mặt để tạo thành một vần, đó là âm chính và thanh điệu. Âm chính là hạt nhân của âm tiết, mang âm sắc chủ yếu của âm tiết, âm chính là âm mang thanh điệu. Âm chính trong tiếng Việt do 16 nguyên âm chính đảm nhiệm (gồm 13 nguyên âm đơn, trong đó có 9 nguyên âm đơn ngắn / i, e, ε, ɤ, ɤˇ, a, ɯ, ă, u / và 4 nguyên âm đơn dài / o, ɔ, ɔˇ, εˇ/ và 3 nguyên âm đôi / ie, ɯɤ, uo/).
Tiếng Việt có một bản sắc riêng và một tiềm năng phong phú về mặt ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Về mặt ngữ âm, tiếng Việt có một hệ thống âm vị bao quát và cân đối tạo lời, tạo câu đưa tới sự hài hoà về ngữ âm và nhạc điệu của câu văn. Về mặt từ vựng, mỗi tiếng Việt, nói chung, mang một nghĩa, thể hiện bằng một chữ viết. Tiếng là đơn vị cơ bản của ngôn ngữ, một hệ thống các đơn vị có nghĩa của toàn bộ tiếng Việt để định danh sự vật và sự việc trong giao tiếp đối tác liên lạc truyền thông hàng ngày giữa những người cùng dùng chung một ngôn ngữ Việt. Về mặt ngữ pháp, từ của tiếng Việt không biến đổi hình thái. Khi kết hợp thành các ngữ câu, tiếng Việt tuân thủ việc sắp xếp các từ theo một trật tự nhất định qua các quan hệ cú pháp.
Quá trình tạo ra các đơn vị từ vựng chủ yếu nhờ phương thức ghép và phương thức láy. Cần nhấn mạnh sự phát triển của tiếng Việt qua dòng lịch sử nhờ vào hai bộ phận chính là thành phần Hán Việt và Nam Nôm. Thành phần Hán Việt tức là tiếng Hán nói theo giọng Việt chiếm khoảng chừng 60 phần trăm trong giao dịch đối tác hàng ngày của người Việt. Thành phần thứ hai gọi chung là Nam nôm bao gồm tiếng nôm gốc Hán Việt, tiếng Nam nôm thuần Việt hay vay mượn từ các ngôn ngữ khác hơn là tiếng Hán để tạo ra các từ, ngữ mới—tiếng nôm đơn, tiếng nôm đôi., và tiếng đôi lấp láy.

Đặc điểm của chữ viết chữ quốc ngữ
Về chính tả là cách viết chữ được coi là chuẩn, sự thống nhất chính tả biểu hiện tính thống nhất của một ngôn ngữ. Do phát âm của tiếng Việt không thống nhất trong cả nước, phát âm của các miền, các địa phương có những mâu thuẫn khác nhau với chính tả, tạo ra những vấn đề chính tả khác nhau Như vấn đề hỏi/ngã đối với miền Nam và phần lớn miền Trung, vấn đề ch-/tr-, s-/x- đối với miền Bắc, v.v. Có khi cùng một từ (hình vị), lại có hai hay ba biến thể ngữ âm và biến thể chính tả tương ứng khác nhau ở các phương ngữ. Nhìn chung, chính tả của tiếng Việt tập trung trong các trường hợp sau đây: âm tiết có phụ âm đầu (hoặc bán nguyên âm đầu): ch-/tr- d-/gi- d-/gi-/r- d-/gi-/v- l-/n- s-/x- hw-/ngw-/qu-(kw-)/w-, d-/nh- , gi-/tr-, l-/nh-, âm tiết có phụ âm cuối: -c/-t, -n/-ng, âm tiết có thanh điệu hỏi ngã, âm tiết có nguyên âm chính (kết thúc bằng phụ âm hoặc bán phụ âm …

Vào đề: Phân định phạm vi Đề tài tham luận “THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT VÀ NGỮ ÂM CỦA PHƯƠNG NGỮ BA MIỀN “ và lượng định khảo hướng phân tích âm tiết thích nghi áp dụng cho lược khảo ngữ âm ba miền.

Đề tài tham luận 4 rất bao quát và rộng lớn bao trùm nhiều chương của Quyển I và Quyển II của Sổ Tay Chính Tả. Hầu hết các chương của Sổ Tay Chính Tả đều liên hệ đến đề tài này. Nói chung, Quyển I và II cùngvới Quyển III sắp phát hành là nguồn tài liệu tham khảo quý báu cho việc viết đúng chính tả.
Chương II: Phân biệt CH và TR
Chương III: Phân biệt Dấu Hỏi và Dấu Ngã
Chương IV: Phân biệt S và X
Chương V: Phân biệt các vần AU-ÂU và AY-ÂY
Chương VII: Phân biệt D, GI và R
Chương VIII: Phân biệt chữ cuối một từ có G, không có G
Chương IX: Phân biệt chữ cuối một từ là c hay t
Chương X: Phân biệt dấu chữ “ă” và “â”.
Mục tiêu của chúng ta là tiến tới chuẩn chính tả. Chuẩn chính tả là viết đúng chính tả. Viết đúng chính tả cần phát âm đúng. Tiến trình thống nhất chính tả bao gồm cả hai mặt phát âm và chữ viết. Tiến trình này đòi hỏi hệ thống hóa các hiểu biết thực tế về ngữ âm ba miền, cũng như giảm thiểu các sai biệt về ngữ âm trong phương ngữ Bắc, Trung và Nam.

I. HỆ THỐNG NGÔN NGỮ TIẾNG VIỆT
1.1 Hệ thống ngôn ngữ Việt Nam
Tiến trình hình thành của tiếng Việt đánh dấu khả năng Việt hóa vô song của ngôn ngữ Việt. Tiếng Hán Việt dùng tiếng Hán nhưng đọc theo giọng Việt là bước đầu tạo dựng một hình thái riêng biệt cho ngôn ngữ dân tộc. Chữ Nôm hay là chữ quốc âm đã được tạo dựng thành hệ thống ký hiệu nhằm hỗ trợ cho cách đọc tiếng Hán Việt.
Quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ nói và viết tiếng Việt là một thành tựu vô cùng lớn lao. Việt hóa tiếng Hán, dân tộc Việt Nam đã lật ngược thế cờ thoát khỏi đồng hóa ngôn ngữ của phương Bắc. Đó là công trình thành tựu to lớn cùa các nhà Nho Việt Nam qua việc xây dựng nền móng cho hệ thống ngôn ngữ riêng với bản sắc Việt Nam. Tất cả tiếng Hán đều được các nhà Nho phiên tạo ra tiếng Hán Việt tương đương. Chữ Nôm giúp cho sự đọc tiếng Hán Việt được chuẩn theo giọng Việt. Mặc dù các cố gắng này phôi thai rườm rà và phức tạp nhưng các nhà Nho đã tạo thành hệ thống chữ riêng trong phương thế “ Mượn giáo Tàu để đâm lưng Chệt” bảo quản được sự tồn tại của ngôn ngữ tiếng Việt riêng biệt, thoát khỏi bị đồng hóa mai một.
Nói chung, về phương diện cấu trúc, chữ Nôm được phát triển theo lối lục thư giả tá là một thứ chữ tượng hình để biểu thị sự vật với mục tiêu hội ý hài thanh. Đó là ÂM NÔM cho tiếng Việt của người Việt phương nam. Các cách cấu tạo chữ Nôm giản lược gọi là giả tá, tức là mượn tạm mà dùng. Quá trình hình thành và phát trỉển tiếng Việt trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của những thời kỳ Bắc thuộc. Chữ Nôm đã đóng trọn vẹn vai trò lịch sử của hệ chữ tượng hình dùng để viết tiếng Việt. Dần dà vị thế của chữ Hán và chữ Nôm bị suy giảm từ cuối thế kỷ 19.
Kế tiếp, chữ quốc ngữ xử dụng ký tự La Tinh, dựa trên các bảng chữ cái của nhóm ngôn ngữ Rô-man, nhất là bảng chữ cái Bồ Đào Nha được dùng thay vì chữ Nôm trong các tài liệu truyền giáo vào thế kỷ 17. Phát huy chữ quốc ngữ dựa vào hệ thống chữ viết La Tinh tách rời khỏi chữ Hán nhờ vào các công trình của các nhà truyền giáo Cơ Đốc gồm có các giáo sĩ Gaspar do Amaral, Antonio Barbora và Francisco de Pina, đặc biệt có công hàng đầu là giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ 1591-1660). Cách đọc và viết tiếng Việt được dần dà san định và phát huy hoàn chỉnh. Nhờ vậy, ngôn ngữ tiếng Việt và chữ viết xa rời vĩnh viển cái nôi tiếng Hán và chữ Hán. Đại lược, sự phát huy tiếng Việt được hoàn chỉnh dựa vào vốn liếng Việt hóa tiếng Hán và sự phổ thông chấp nhận và thống nhất chữ viết quốc ngữ.

1.2 Chữ Quốc Ngữ Tiếng Việt
1.2.1 Hệ chữ cái quốc ngữ và cách tạo chữ mới với các thanh điệu
Dựa trên 26 chữ cái (Latin alphabets), chữ quốc ngữ tiếng Việt đã hình thành gồm cấu trúc nguyên âm và phụ âm của hệ thống chữ viết như sau:
Bảng 1.1. Hệ chữ cái quốc ngữ: nguyên âm và phụ âm
CVH - H 1
• Chữ Quốc ngữ là hệ chữ viết thống nhất của tiếng Việt, sử dụng ký tự La Tinh (Latin scripts) dựa trên các bảng chữ cái của nhóm ngôn ngữ Rô-man (Romance languages) đặc biệt là bảng chữ cái Bồ Đào Nha (Portuguese alphabets) với các dấu phụ chủ yếu từ bảng chữ cái Hy Lạp. Xen vào bảng chữ cái Bồ Đào Nha, có sự sử dụng âm gh và gi mượn từ chữ Ý (italian, ghetto, Giuseppe), c/k/qu từ gốc Hy lạp và La tinh (Canis, kinesis, quo vadis). Những sáng tạo chữ mới để cho chữ quốc ngữ đáp ứng được tiếng nói và thanh điệu của tiếng Việt đã được hình thành. Nguyên tắc chung về tạo chữ viết mới bằng hai cách: ̣a/ Biến thể của nguyên âm bằng 3 loại dấu chữ : dấu khăn, dấu mũ và dấu móc (Variants of wowels). Ba loại dấu chữ: dấu khăn, dấu mũ và dấu móc, ă dấu khăn, â, ê, ô dấu mũ, ơ, ư dấu móc tạo ra chữ cái mới, b/Năm dấu giọng (tone marks) nhằm thêm bậc giọng vào thanh và tạo chữ mới. Dấu phụ (diacritic) là ký hiệu được thêm vào chữ cái, để thay đổi âm thanh của ký tự mà nó thêm vào, có tác dụng phân biệt trọng âm, thanh điệu, nguyên âm… Sử dụng dấu giọng ghi thêm bậc giọng thanh điệu cao thấp (á, à, ả, ã, ạ) vào mỗi chữ do bởi mọi âm tiết của tiếng Việt đều mang một thanh điệu. Nguyên âm mang dấu giọng, gọi là dấu âm. Nói chung tiếng Việt là một ngôn ngữ thanh điệu. Mọi âm tiết của tiếng Việt đều luôn mang một thanh điệu.

• Ba nguyên âm đôi (digraphs) nhằm tạo ra chữ viết mới
o ia/ya (đọc là ia, gồm chữ cái i+a/y+a như các từ kia kìa / khuya) và iê/yê (đọc là iê, gồm chữ cái i+ê/y+ê như là các từ yêu chiều)
o uô/ua (đọc là uô/ua, gồm chữ cái u+ô/u+a như là các từ luông tuồng/tua rua) và
o ,ươ/ưa (đọc là ươ/ưa, gồm chữ cái ư+ơ/ư+a như là các từ lướt thướt/lưa thưa)
Một nguyên âm đôi là sự kết hợp của hai nguyên âm kế nhau trong cùng một âm tiết, thường được tạo ra từ việc các nguyên âm đơn “hòa” vào nhau khi nói nhanh. Về cơ bản, nguyên âm đôi là một nguyên âm với mục đích là lưỡi và/hoặc các cơ quan nói khác có thể di chuyển trong khi phát âm.
Chữ quốc ngữ có 11 chữ ghép phụ âm (ghép đôi có hai chữ cái, ghép ba có ba chữ cái) như sau: 10 chữ ghép đôi: ch, gh, gi, kh, ng, nh, ph, qu, th, tr và 1 chữ ghép ba: ngh. Chữ ghép được dùng để ghi lại một âm vị hoặc một chuỗi các âm vị có cách phát âm không giống với âm vị mà các chữ cái trong tổ hợp chữ cái đó biểu thị. Chữ quốc ngữ La- tinh – hóa tạo thành một cấu trúc sinh động hài hòa phối hợp âm, vận và thinh: các nguyên âm, bán nguyên âm và phụ âm ở vị trí đầu và cuối kết hợp nên một hệ thống ngôn ngữ đơn âm tinh vi hợp lý mở rộng theo quy luật “tương đồng đối xứng của các âm thể”. (an expanded monosyllabic language system) gồm thêm các tiếng đôi và tiếng ghép ba Hán Việt hay tiếng nôm thuần Việt… Các ÂM THỂ (phonemes) gồm nguyêm âm và phụ âm của chữ quốc ngữ, dù là tiếng Hán Việt hay tiếng Nôm/thuần Việt đều vận hành lớp lang do cấu tạo âm tiết với khuôn khổ VẬN và THINH.
1.2.2 ÂM THỂ của chữ Quốc Ngữ: Nguyên Âm và Phụ Âm.
Chữ quốc ngữ tạo thành một hệ ký âm ghi các phương cách cấu âm và phát âm cúa cơ quan nói, miệng, lưỡi, răng, môi, thanh quản …để sản xuất diễn đạt nguyên âm và phụ âm.
A. Nguyên âm: Về mặt phát âm, 6 nguyên âm chính và 6 biến thể của nguyên âm tiếng Việt được trình bày theo vị trí phát âm như sau: Bảng 1.2. Cách phát âm các nguyên âm hạt nhân.

CVH - H 2Về phương diện cấu âm và cách phát âm, Bảng 1.3. liệt kê phương cách phát âm nguyên âm và phụ âm.

CVH - H 3

Các nguyên âm trước, giữa và nguyên âm mở là nguyên âm không tròn môi (front, central, and low vowels i, ê, e, ư, â, ơ, ă, a are unrounded), còn lại là ba nguyên âm sau tròn môi (back vowels u, ô, o are rounded). Ă và â là dạng ngắn của a và ơ. Tóm lược các nguyên âm hạt nhân (vowel nuclei) bao gồm chín nguyên âm đơn và ba nguyên âm đôi giữa. Về phương diện âm vị, tiếng Việt có 16 âm vị là nguyên âm đơn và đôi gồm 13 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm đôi và 2 âm vị là bán nguyên âm.
Có 17 cách phát âm để đọc 18 âm vị nguyên âm được ghi lại bằng 20 chữ viết. 20 chữ viết này được hình thành từ 12 chữ cái (con chữ). Sau đây là Bảng âm vị nguyên âm trích từ Hệ thống âm vị, nguồn Đại cương tiếng Việt, MaxReading URL: http://www.maxreading.com/sach-hay/dai-cuong-ve-tieng-viet
Bảng 1.4.a Âm vị: nguyên âm đơn, đôi và bán nguyên âm.
CVH - H 4
Hai âm vị bán nguyên âm [i] va [u] tuỳ vị thế giữ vai trò đặc biệt:
• [i] là âm cuối viết i/y ví dụ như trong các chữ tai tái, cày cấy
• [u] là âm đệm viết “o” ví dụ như trong các chữ toán, toàn, toan, viết “u” là âm đệm ví dụ như trong các chữ tuần, tuấn, quẩn, và [u] là âm cuối, viết “o” trong đào hào, táo, viết “u” trong đau, rau câu.

B. Phụ âm: Chữ quốc ngữ có 17 chữ cái phụ âm (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x) và 11 chữ ghép (ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, qu, th, tr). Tất cả các chữ cái phụ âm và chữ ghép trong chữ quốc ngữ đều có thể làm phụ âm đầu. Phụ âm đầu là bộ phận phụ khởi đầu của một âm tiết. Bảng 1.4.b trình bày các phụ âm theo vị trí cấu âm trong tiếng Việt.

CVH - H 5

Về phương diện âm vị, tiếng Việt có 23 âm vị là phụ âm
Có 24 cách phát âm để đọc 23 âm vị phụ âm được ghi lại bằng 27 chữ viết. được hình thành từ 12 chữ cái (con chữ). Sau đây là Bảng âm vị phụ âm trích từ Hệ thống âm vị, nguồn Đại cương tiếng Việt, MaxReading
URL: http://www.maxreading.com/sach-hay/dai-cuong-ve-tieng-viet
Bảng 1.5. Hệ thống âm vị / 23 phụ âm

CVH - H 6

– Âm tắc thanh hầu, kí hiệu: /?/ là n.hững âm tiết không có âm đầu (như: âm, êm, oai, uyên) khi phát âm được bắt đầu bằng động tác khép kín khe thanh, sau đó mở ra đột ngột gây nên một tiếng bật. Động tác khép kín ấy có giá trị như một phụ âm.

II. KHẢO HƯỚNG PHÂN TÍCH ÂM TIẾT ÁP DỤNG TRONG LƯỢC KHẢO NGỮ ÂM BA MIỀN
Khảo hướng phân tích âm tiết được xem là một trong những phương thức thích hợp cho lược khảo ngữ âm ba miền Bắc, Trung và Nam.

2.1 Khái niệm về Âm vị, Âm tiết, Tiếng và Từ Tiếng Việt
Về phương diện âm vị, tiếng Việt như đã trình bày gồm có 41 âm vị: 23 âm vị phụ âm và 16 âm vị nguyên âm, 2 âm vị bán nguyên âm. Để ghi lại 41 âm vị này, tiếng Việt dùng 29 chữ cái (con chữ). Âm vị trong tiếng Việt là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có chức năng phân biệt nghĩa, bao gồm một số lượng hạn định trong từng ngôn ngữ. Âm vị được ghi lại ở giữa hai kí hiệu / /, ví dụ: âm vị /a/, /u/, /o/, v.v. Âm vị học tập trung vào cách phát âm tiếng Việt, hệ âm thanh ngữ âm của các phương ngữ địa phương như là hai giọng chính Bắc Hà Nội và giọng Nam Sài gòn. Chẳng hạn như duyệt xét bảng âm vị nguyên âm, ta thấy có 17 cách phát âm để đọc 18 âm vị nguyên âm được ghi bầng 20 chữ viết. Để đọc 23 âm vị phụ âm, có 24 cách phát âm được ghi lại bằng 27 chữ viết. Về phương diện âm tiết, phân tách lời nói của một người Việt, ta nghe được một chuỗi âm thanh được phát ra kế tiếp nhau ta nhận ra được các đơn vị của ngữ âm trong câu nói, chẳng hạn như “Dân Việt giữ gìn đất tổ và tiếng nói”, chúng ta nghe được những khúc đoạn tự nhiên trong chuỗi lời nói đó như sau:
Dân/ Việt/ giữ/ gìn/ đất/ tổ/ và/ tiếng/ nói/
Tôi/ yêu/ tiếng/ nước/ tôi/ từ/ khi/ mới/ ra/ đời/
Những khúc đoạn âm thanh này không thể chia nhỏ hơn được nữa dù có được phát âm thật chậm, thật tách bạch. Điều đó chứng tỏ rằng, đây là những khúc đoạn âm thanh tự nhiên nhỏ nhất khi phát âm, và được gọi là âm tiết. Trong tiếng Việt, một âm tiết bao giờ cũng được phát ra với một thanh điệu, và tách rời với âm tiết khác. Trên chữ viết, mỗi âm tiết tiếng Việt được ghi thành một “chữ”. Về phương cách cấu tạo của âm tiết, mỗi âm tiết tiếng Việt là một khối hoàn chỉnh trong phát âm. Trên thực tế không thể phát âm tách nhỏ cái khối đó ra được. Mỗi âm tiết được phát âm liền một hơi, có thể phân tách là một cấu tạo lắp ghép gồm từng bộ phận.. Mỗi bộ phận của âm tiết này có thể hoán vị với bộ phận tương ứng của âm tiết khác. Nói chung, cấu tạo âm tiết tiếng Việt có thể hình dung trong một mô hình gồm âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối.
Tiếng, hình vị, từ và chữ
Tiếng là các âm tiết phát âm tạo nên trong một chuỗi lời nói trong giao tiếp giao dịch hàng ngày. Tiếng trong tiếng Việt thường được hiểu là âm tiết có nghĩa, phát ra một hơi, có mang một thanh điệu nhất định. Ví dụ: Bé Việt mới nói được hai tiếng “bà” và “mẹ”, “bà” và “mẹ” khi phân tích về mặt phát âm là 2 âm tiết. Khi người Việt phát âm các âm tiết để tạo nên chuỗi lời nói trong giao tiếp đối tác, đơn vị được dùng trong chuỗi lời nói là “tiếng”. Tiếng trong tiếng Việt thường được hiểu là âm tiết, về mặt là đơn vị có nghĩa, dùng trong chuỗi lời nói. Khi phát âm, mỗi tiếng bao giờ cũng phát ra một hơi, có mang một thanh điệu nhất định. Tuy nhiên, trong lời nói hàng ngày, thường người ta nói đến tiếng nhiều hơn là âm tiết. Trên phương diện chữ viết, mỗi tiếng được ghi thành một chữ, một từ. Tiếng có thể trực tiếp hay gián tiếp gắn liền với một ý nghĩa nhất định và không thể chia ra thành những đơn vị có nghĩa nhỏ hơn nữa. Vì vậy có thể hiểu tiếng trùng với hình vị và từ: ăn, nói, đi, đứng, và, sẽ… là những tiếng, những từ trong tiếng Việt. Phân tích một phát ngôn (một đoạn của lời nói) người ta có thể tách ra những đơn vị có ý nghĩa nhỏ nhất, đơn vị đó là hình vị. Ví dụ trong phát ngôn ” Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” có 10 hình vị có ý nghĩa là ” Tôi/ yêu/ tiếng/ nước/ tôi/ từ/ khi/ mới/ ra/ đời/”. Hình vị thường có hình thức cấu tạo một âm tiết, tức là mỗi hình vị trùng với âm tiết, trên chữ viết mỗi hình vị được viết thành một chữ. Hình vị trong tiếng Việt có thể một mình đóng vai trò như một từ cũng có thể làm thành tố cấu tạo từ, nhưng nó chỉ được phân xuất ra nhờ vào sự phân tích các từ.
Tóm lại, khi phân tích chuỗi âm thanh của lời nói, người ta nhận thấy có những đơn vị ngữ âm được phát ra với một luồng hơi liên tục, không bị cắt đoạn ra trong dòng ngữ lưu, đơn vị đó gọi là âm tiết. Trong tiếng Việt, một âm tiết thường mang một thanh điệu và được ghi lại thành một chữ. Khi phân tích một phát ngôn (một đoạn của lời nói), người ta phân xuất ra được những đơn vị nhỏ nhất trùng với âm tiết, đó là tiếng. Tiếng thường trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với với một ý nghĩa nhất định cho nên trùng với hình vị và từ. Tóm tắt, âm tiết, hình vị và từ là đơn vị của ngôn ngữ, còn tiếng là đơn vị của lời nói. Chữ viết tiếng Việt là chữ viết ghi âm, mỗi một tiếng hay một âm tiết, một hình vị được ghi thành một chữ rời, ranh giới để nhận diện các chữ là khoảng trống (space) giữa các tiếng (âm tiết, hình vị. Mỗi âm vị đều được ghi lại bằng một con chữ (chữ cái), nhưng con chữ và âm vị là không giống nhau. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, âm vị /u/ đứng cuối âm tiết khi được ghi bằng chữ “o” (đào hào), khi được khi bằng chữ “u” (rau câu).
2.2 CẤU TẠO ÂM TIẾT trong chữ Quốc Ngữ
Một âm tiết có thể gồm đầy đủ năm yếu tố: âm đầu gồm phụ âm đầu, âm đệm, âm chính, và âm cuối, và thanh điệu. Ít nhất hai yếu tố tối thiểu cần phải có mặt để tạo thành một vần, đó là âm chính và thanh điệu. Một âm tiết gồm: a/ Âm đầu ở vị trí này chỉ có một âm vị tham gia cấu tạo; b/ Phần sau của âm tiết được gọi là phần vần, tạo bởi ba bộ phận: Âm đệm nếu có, âm chính và âm cuối, theo một mô hình chung như sau: Bảng 1.6

CVH - H 7

A. Âm đầu: Tiếng Việt có 22 phụ âm đầu, bao gồm:
Phụ âm đầu: b, c, ch, d, đ, g, gi, h, kh, l, m, n, ng, nh, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x, /ʔ/.
/b, m, f, v, t, t’, d, n, z, ʐ, s, ş, c, ʈ, ɲ, l, k, χ, ŋ, ɣ, h/
Âm đầu /ʔ/ không được thể hiện trên mặtchính tả, nghĩa là biển hiện bằng sự vắng mặt của chữ viết, gọi là âm tắt thanh hầu. được mở đầu bằng động tác khép kín khe thanh, sau đó mở ra đột ngột, gây nên một tiếng bật. Động tác mở đầu ấy có giá trị như một phụ âm. Tại vị trí thứ nhất trong âm tiết, âm đầu có chức năng mở đầu âm tiết. Những âm tiết mà chính tả không ghi âm đầu như an, ấm, êm… được mở đầu bằng động tác khép kín khe thanh, sau đó mở ra đột ngột. Động tác mở đầu ấy có giá trị như một phụ âm được gọi là âm tắc thanh hầu (kí hiệu: /?/). Tựu trung, âm tiết trong tiếng Việt luôn luôn có mặt âm đầu (phụ âm đầu). Những âm tiết mang âm tắc thanh hầu thì trên chữ viết không được ghi lại, và như vậy vị trí của nó trong âm tiết là zero.

CVH - H 8

B. Âm đệm: Âm đệm là yếu tố đứng ở vị trí thứ hai, sau âm đầu. Nó tạo nên sự đối lập tròn môi (loan) và không tròn môi (lan). Trong tiếng Việt, âm đệm được miêu tả gồm âm vị bán nguyên âm /u/ (xem Bảng âm vị nguyên âm) và âm vị “zero” (âm vị trống). Âm đệm “zero” có thể tồn tại cùng tất cả các âm đầu, không có ngoại lệ. Âm đệm /u/ không được phân bố trong trường hợp sau:
– Nếu âm tiết có phụ âm đầu là âm môi.
– Nếu âm tiết có nguyên âm là âm tròn môi.
Trên chữ viết, âm đệm “zero” thể hiện bằng sự vắng mặt của chữ viết, âm đệm /u/ thể hiện bằng chữ “u” và “o”.

CVH - H 9

C. Âm chính: Tiếng Việt có 13 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi làm âm chính. Âm chính đứng ở vị trí thứ ba trong âm tiết, là hạt nhân của âm tiết, mang âm sắc chủ yếu của âm tiết. nên âm chính là âm mang thanh điệu. Âm chính trong tiếng Việt do nguyên âm đảm nhiệm. Nguyên âm của tiếng Việt có chức năng làm âm chính và nó không bao giờ vắng mặt trong âm tiết vì nó mang âm sắc chủ yếu của âm tiết. Có nhiều ý kiến khác nhau về số lượng âm chính trong tiếng Việt. Nhưng nhìn chung có ý kiến cho rằng tiếng Việt có 16 nguyên âm chính gồm 13 nguyên âm đơn, (9 nguyên âm đơn ngắn và 4 nguyên âm đơn dài) và 3 nguyên âm đôi.

CVH - H 10

D. Âm cuối: Ngoài âm cuối zero, tiếng Việt còn có 8 âm cuối gồm 6 phụ âm /m, n, ŋ, p, t, k/ và hai bán nguyên âm cuối /u/ ngắn và cuối /i/ ngắn. Âm cuối có vị trí cuối cùng của âm tiết, nó có chức năng kết thúc một âm tiết. Do vậy khi có mặt của âm cuối thì âm tiết không có khả năng kết hợp thêm với âm (âm vị) nào khác ở phần sau của nó. Ví dụ: trong “cúi”, thì “i” là âm cuối kết thúc âm tiết nên sau nó không thêm gì cho âm tiết. Trái lại, trong “quý”, do “y” không phải là âm cuối vì có thể thêm vào sau nó một âm cuối như “t” trong “quýt”, “nh” trong “quýnh”, v.v.

CVH - H 11

• Các âm tiết mang vần nhập thanh, tức là các vần kết thúc bằng một trong ba phụ âm cuối /p/ (chữ cái “p”), /t/ (chữ cái “t”), /k/ (chữ cái “c” hoặc chữ cái ghép “ch”) chỉ có thể mang thanh sắc hoặc thanh nặng. Ba âm tắc trên đã làm cho các âm tiết mang vần nhập thanh chỉ có thể mang các thanh điệu có bậc giọng ngắn và nhanh.
• Bán nguyên âm /u/ (ngắn) có âm sắc trầm chỉ được phân bố sau các nguyên âm bổng và trung hoà, trừ nguyên âm “ơ” ngắn, ví dụ trong níu, áo, bêu diếu, cầu cứu…
• Bán nguyên âm cuối /i/ (ngắn) có âm sắc bổng chỉ được phân bố sau các nguyên âm trầm và trung hoà, ví dụ tôi, chơi, túi, gửi, lấy…
• Âm cuối zero là một âm vị trống nên không được biểu thị bằng chữ viết.

CVH - H 12

E. Vài mô hình âm tiết chi tiết (The structural formations of Vietnamese words)
Sự cấu tạo các âm tiết tiếng Việt có thể trình bày bằng hai mô hình âm tiết ví dụ như sau:
1. Mô hình 1 âm tiết gồm. Mô hình 1 âm tiết

CVH - H 13

2.3 ÂM VẬN trong tiếng Việt và VẦN CÁI của chữ Quốc Ngữ
Tiếng Việt hiện đại có khoảng 200 vần. Vần hay còn gọi âm vận nên không có phụ âm đầu và có thể vắng mặt nhiều yếu tố trên, nhưng âm chính và thanh điệu luôn luôn phải có. Vần gồm có vần đơn, ghép, trơn, và vần cản.
A. Các loại mẫu âm (syllables)
Các loại mẫu âm gồm có mẫu âm chính (như là mẫu âm đơn, mẫu âm ghép), và mẫu âm biến dạng cần ghép thêm phụ âm cuối để cấu tạo âm. Có hai loại âm tiết: loại thứ nhất thuộc loại âm tắt thanh hầu gồm loại mẫu âm không có phụ âm đầu mà sự cấu âm thành âm tiết đã hoàn tất. Loại thứ hai cần có thêm phụ âm đầu để có một âm tiết riêng bíệt hoàn thành một từ để thể hiện chính xác một tiếng.
a. Sáu nguyên âm chính a, e, i, o, u, y đều là mẫu âm chính tự nó có thể đứng riêng một mình hoặc mang thêm dấu thanh giọng để có nghĩa riêng tạo nên một từ thể hiện thành một âm tiết, một tiếng nói của ngôn ngữ Việt. Ví dụ:
i. a, á, ả, à, ạ, ã
ii. e, é, ẻ, è, ẹ, ẽ
iii. i, í, ỉ, ì, ị, ĩ …..
b. Sáu nguyên âm chính a, e, i, o, u, y có thể ghép thành mẫu âm ghép hoặc mang thêm dấu thanh giọng để tạo nên một từ mới, một âm tiết, một tiếng khác mới:
i. ai, ao, au, ay ví dụ: ái, ào,
ii. eo ẻo, éo
iii. oa, oe, oeo, ua, uê òa, ùa, ủa, uể oải
iv. oi, ui, uy, uyu oi bức, ui chà, uy tín
v. ia, iu ỉa, ỉu
c. Bốn biến thể của nguyên âm: ê và ô có dấu mũ, ơ và ư có dấu móc đều có thể là mẫu âm chính hoặc đứng riêng một mình hoặc mang thêm dấu thanh giọng để có nghĩa riêng tạo nên một từ thể hiện thành một âm tiết, một tiếng mới.
i. ê, ế, ề, ể, ệ, ễ
ii. ô, ố, ồ, ổ, ộ, ỗ
iii. ơ, ớ, ờ, ở, ợ, ỡ
iv. ư, ứ, ừ, ử, ự, ữ
d. Các biến thể của nguyên âm: ê và ô có dấu mũ, ơ và ư có thể kết hợp thành mẫu âm ghép:
i. ê và ư với bán nguyên âm cuối u: êu, ưu;
ii. ô, ơ, ư và ươ với bán nguyên âm cuối i: ôi, ơi, ưi, ươi
Mẫu âm biến dạng do ghép thêm phụ âm cuối:
iii. Các nguyên âm chính a, e, i, o, u, trừ y ghép thêm phụ âm cuối: p, t, c, m, n , ch, nh, ng đều có thể là mẫu âm chính thường đi với phụ âm đầu và mang thêm dấu thanh giọng để có nghĩa riêng tạo nên một từ thể hiện thành một âm tiết, một tiếng nói của ngôn ngữ Việt.:
1. ap, at, ac, am, an ví dụ: áp, át, ác, ám, an
2. ep, et, ec, em, en ép, kẹt, eng éc, em, len lén
3. ip, it, ich, im, in, inh kịp, ít, ích, im lìm, xin, dính
4. op, ot, oc, om, on lóp ngóp, chót, óc, dòm, lon
5. up, ut, uc, um, un, ung úp, út, ục, ùm, ùn, úng
iv. Bốn biến thể của nguyên âm: ê và ô có dấu mũ, ơ và ư có dấu móc ghép thêm phụ âm cuối vận cản: vô thanh p, t, c/k và hữu thanh m, n, ng, nh đều có thể là mẫu âm chính thường đi với phụ âm đầu và mang thêm dấu thanh giọng để có nghĩa riêng tạo nên một từ thể hiện thành một âm tiết, một tiếng nói của ngôn ngữ Việt:
1. êp, êt, êch, êm, ên, ênh nếp, nết, ếch, êm, lên, lệnh
2. ôp, ôt, ôc, ôm, ôn, ông gộp, hốt, ốc, êm, ôn, ông
3. ơp, ơt, ơm, ơn nhơ nhớp, ớt, cơm, ơn
4. ưt, ưc, ưm, ưn, ưng bứt, ức, hừm, phừn phực, ửng
5. ươp, ươt, ươc, ươm, ươn, ương ướp, ướt, ước, ươm, lươn lẹo, hướng
e. Hai biến thể của nguyên âm ă và â không thể đứng riêng một mình mà có nghĩa. Để thành một từ có nghĩa có đủ âm tiết, ă và â phải đi kèm với phụ âm cuối vần cản: vô thanh p, t, c/k và hữu thanh m, n, ng, trừ nh.
i. ăp, ăt, ăc, ăm, ăn, ăng ví dụ bắp, ắt, răng rắc, đăm, ăn, căng
ii. âp, ât, âc, âm, ân, âng ấp, ất, lấc cấc, âm, ân, bâng khuâng
f. Biến thể của nguyên âm: â có thể kết hợp với bán nguyên âm y hay u ở cuối thành một âm tiết, một từ có nghĩa:
i. âu ví dụ âu sầu, châu chấu
ii. ây ấy, mây, lẩy bẩy
B. Sơ lược về các vần đơn, ghép, trơn và vần cản và thanh điệu dấu giọng hỏi ngã:

CVH - H 14
2.4 THINH GIỌNG (TONES) TIẾNG VIỆT và DẤU THANH (TONE MARKS) CỦA CHỮ QUỐC NGỮ
Thinh là giọng nói của tiếng Việt . Tiếng Việt là một ngôn ngữ thanh điệu, mỗi tiếng Việt mang một thanh điệu. Các thanh điệu khác nhau về
• Độ cao (pitch)
• Độ dài (length)
• Biến thiên giai điệu (contour melody)
• Cường độ (intensity), và
• Cách phát âm (phonation).
Có sự khác biệt về số lượng thanh điệu và bậc giọng cao thấp bổng trầm của thanh điệu giữa các phương ngôn của tiếng Việt. Phương ngôn tiếng Việt miền Bắc có sáu thanh điệu, phương ngôn tiếng Việt miền Trung và Nam có năm thanh điệu. Theo nghiên cứu của chuyên gia ngôn ngữ học, dấu ngã xuất hiện trong giọng Bắc khoảng từ thế kỷ 14. Người Bắc phát âm rất chuẩn tiếng có dấu ngã, Những tiếng có dấu Ngã, người Bắc phát âm như có dấu Nặng rồi dứt bằng dấu Sắc. Về tiếng có dấu Hỏi, người Bắc phát âm như có dấu huyền rồi dứt bằng giọng Ngang (là giọng không dấu).
Thêm vào 6 dấu thanh, Gs. Lê Ngọc Trụ đề cập đến Sắc nhập hoặc Nặng nhập là giọng của một tiếng đôi do hai tiếng hợp lại theo Luật Thuận-thinh-âm.

“Sáu bậc giọng thang âm trong tiếng Việt cộng với Sắc nhập hoặc Nặng nhập là giọng của một tiếng đôi do hai tiếng hợp lại theo Luật Thuận-thinh-âm, kết thành hệ thống liên hệ mật thiết. Một từ tiếng Việt, Hán Việt hay thuần Việt, chỉ mang một trong số tám thanh. Giọng bao gồm Thanh là yếu tố định bậc cao thấp trong thang âm tám bậc của tiếng Việt hiện đại, và là yếu tố cần và đủ để tạo thành ý nghĩa riêng biệt của một từ. Thinh giọng xếp thành hai loại: bốn giọng bổng còn gọi là Thanh thinh đối chiếu với bốn giọng trầm còn gọi là Trọc thinh:
– bốn giọng Bổng: ngang (hoặc không dấu), hỏi, sắc, sắc nhập
– bốn giọng Trầm: huyền, ngã., nặng, nặng nhập
– [*] Sắc nhập hoặc Nặng nhập là giọng của một Tiếng đôi do hai tiếng hợp lại theo Luật Thuận-thinh-âm.
o Sắc nhập gồm những Tiếng đôi mà tiếng đầu không dấu, tiếng sau mang dấu Sắc, và có c, ch, p, t, ở cuối. Ví dụ: thơm phức, phưng phức, thân thích, ưa thích, tươm tướp, răm rắp, ưu uất, tươm tất, thơn thớt, thưa thớt, rân rát.
o Nặng nhập gồm những tiếng đôi mà tiếng đầu có dấu Huyền, tiếng sau mang dấu Nặng và có c, ch, p, t, ở cuối. Ví dụ: bình bịch, vùi dập, rầm rập, nhờn nhợt, hèn mạt, trầm mặc, vằng vặc, đồ đạc.”

III. LƯỢC KHẢO VỀ NGỮ ÂM CỦA BA VÙNG PHƯƠNG NGỮ BẮC, TRUNG VÀ NAM
về thanh điệu, phụ âm đầu, âm giữa và âm cuối

3.1 Mỗi vùng phương ngữ có một ngữ âm chính:
Tiếng Việt có sự thay đổi trong giọng nói từ Bắc vào Nam, không đột ngột mà tiệm tiến dần theo từng vùng liền nhau. Trong đó, giọng Bắc (Nam Định – Thái Bình), giọng Trung Huế và giọng Nam Sài Gòn là ba phân loại chính. Những tiếng địa phương này khác nhau ở giọng điệu và từ địa phương. Thanh ngã và thanh hỏi ở miền Bắc rõ hơn ở miền Nam và Trung. Miền Bắc sử dụng một số phụ âm (tr, ch, n, l…) khác với miền Nam và Trung. Giọng Huế khó hiểu hơn những giọng khác vì có nhiều từ địa phương.
3.2 So sánh phương ngữ Bắc, Trung và Nam: Nguồn: Wikipedia Bảng 1,14.a

CVH - H 15ACVH - H 15B
• Việc lẫn lộn l/n xảy ra cục bộ trên toàn bộ các vùng nói phương ngữ Bắc.
Hệ thống phụ âm các vùng phương ngữ tiếng Việt: Bảng 14.b

CVH - H 16ACVH - H 16B

IV. TÓM LƯỢC QUY TẮC CHÍNH TẢ VỀ ÂM ĐẦU KHI PHÁT ÂM VÀ KHI VIẾT
4.1 Quy tắc sử dụng âm đầu l/n
– Chữ n không đứng đầu các tiếng có vần có âm đệm (oa, oe, uâ, uy) trừ hai âm tiết Hán Việt: noãn, noa.
Ví dụ: chói loà, loá mắt, loảng xoảng, loà xoà, loạng choạng, loan báo, loăng quăng, loằng ngoằng, loắt choắt, quần loe, lập loè, loá sáng, luân lí, kỉ luật, luẩn quẩn, lưu luyến, luyên thuyên, tuý luý, …
– Trong cấu tạo từ láy:
+ Láy âm: Cả l và n đều có từ láy âm. Ta có thể chọn cả hai tiếng cùng có âm l hoặc n.
Ví dụ: no nê, nợ nần, nao núng, nảy nở, nung nấu,… lo lắng, lanh lảnh, lung linh, long lanh, len lỏi, lâm li,…
+ Láy vần: trong các từ láy vần có tiếng có n hoặc l thì tiếng thứ nhất bao giờ cũng có âm đầu l, tiếng thứ hai có âm đầu n khi tiếng thứ nhất có âm đầu gi hoặc khuyết âm đầu và tiếng thứ hai có âm đầu l khi tiếng thứ nhất có âm đầu khác gi. (Trừ hai trường hợp đặc biệt: khúm núm, khệ nệ).
Ví dụ: la cà, lờ đờ, lò dò, lù đù, lơ mơ, lan man, lõm bõm, lạch bạch, … gian nan, gieo neo, giãy nảy, áy náy, ảo não, ăn năn, … cheo leo, chói lọi, lông bông, khét nẹt, khoác lác, …
– Một số từ có thể thay thế âm đầu nh bằng âm đầu l.
Ví dụ: nhời – lời, nhẽ – lẽ, nhỡ – lỡ, nhát – lát, nhăm nhe – lăm le, nhấp nhánh – lấp lánh, nhố nhăng – lố lăng, …
– Một số từ có thể thay âm đầu đ, c bằng âm đầu n.
Ví dụ: đấy – nấy, cạo – nạo, kích – ních, cạy – nạy, …
– Những từ dùng chỉ vị trí hoặc chỉ sự ẩn nấp thường viết bằng n.
Ví dụ: này, nọ, ni, nớ, nào, nấp, náu, né, nép, …

4.2 Quy tắc sử dụng âm đầu ch/tr
– Chữ tr không đứng đầu các tiếng có vần âm đệm (oa, oă, oe, uê). Do đó nếu gặp các dạng này ta chọn ch để viết, không chọn tr.
Ví dụ: sáng choang, áo choàng, choáng váng, chập choạng, … loắt choắt, chích choè, chí chéo, chuệch choạc, chuếnh choáng, …
– Những từ Hán Việt có thanh nặng hoặc thanh huyền thường có âm đầu tr. Do đó nếu gặp các dạng này ta chọn tr để viết, không chọn ch.
Ví dụ: trọng, trường, trạng, trình tự, trừ phi, giá trị, trào lưu, trù bị, …
– Những từ chỉ đồ vật trong nhà, chỉ tên các loại quả, chỉ tên các món ăn, chỉ tên các hoạt động, chỉ quan hệ giữa những người trong gia đình và những từ mang
ý nghĩa phủ định thường có âm đầu ch.
Ví dụ: chăn, chiếu, chai, chén, chổi, chum, chạn, chõng, chảo, … chuối, chanh, chôm chôm, cháo, chè, chả, chạy, chặt, chắn, chẻ, … cha, chú, chị, chồng, cháu, chắt, chẳng, chưa, chớ, chả, …
– Một số từ có thể thay âm đầu tr bằng âm đầu gi.
Ví dụ: trồng – giồng, trầu – giầu, trời – giời, trăng – giăng,
– Trong cầu tạo từ láy:
+ Láy âm: Cả tr và ch đều có từ láy âm. Do đó nếu gặp láy âm đầu thì ta có thể chọn cả hai tiếng cùng có âm đầu ch hoặc tr.
Ví dụ: chông chênh, chen chúc, chăm chỉ, chân chất, chập chững, … tròn trĩnh, trùng trục, trăn trở, tròng trành, trơ tráo, trập trùng, …
+ Láy vần: Trong các từ láy vần chỉ có tiếng có âm đầu ch (trừ một số trường hợp đặc biệt: trét lẹt, trót lọt, trụi lủi)
Ví dụ: chơi vơi, lừng chừng, chàng màng, chênh vênh, chán ngán, chót vót…

4.3 Quy tắc sử dụng âm đầu s/x
– Chữ s không đứng đầu các tiềng có âm đệm (oa, oă, oe, uê, uâ) ngoại trừ các trường hợp: soát, soạt, soạng, soạn, suất. Do đó nếu gặp các tiềng dạng này thì ta chọn x để viết không chọn s.
Ví dụ: xuề xoà, xoay xở, xoành xoạch, xuềnh xoàng, xoăn, xoe, xuân, …
– Trong cấu tạo từ láy:
+ Láy âm: Cả s và x đều có từ láy âm. Do đó nếu gặp từ láy âm đầu thì có thể chọn cả hai tiếng cùng có âm đầu s hoặc x.
Ví dụ: sắc sảo, suy suyển, sờ soạng, sục sạo, sung sướng, sỗ sành, … xao xuyến, xôn xao, xàm xỡ, xì xào, xí xoá, xấp xỉ, xoèn xoẹt, …
+ Láy vần: Tiếng có x thường láy với tiềng có l, trừ một số trường hợp: lụp sụp, đồ sộ, sáng láng. Do đó nếu gặp láy vần thì ta chọn tiếng chứa âm đầu x.
Ví dụ: liểng xiểng, loăn xoăn, loà xoà, lộn xộn, lao xao, xoi mói, xích mích, xa lạ, …
– Một số từ ghép có một tiếng có âm đầu s và có một số tiếng có âm đầu x:
Ví dụ: xứ sở, sản xuất, xuất sắc, xác suất, xổ số, soi xét, …

4.4 Quy tắc sử dụng âm đầu r/d/gi
– Chữ r và gi không đứng đầu các tiềng có vần có âm đệm (oa, oe, uê, uy). Do đó gặp các tiếng dạng này thì ta chọn d để viết, không chọn r hoặc gi.
Ví dụ: kinh doanh, doạ nạt, doãng ra, hậu duệ, duy nhất, duyệt binh, …
– Trong các từ Hán Việt:
+ Các tiếng có thanh ngã hoặc thanh nặng thường viết với âm đầu d.
Ví dụ: diễn viên, hấp dẫn, bình dị, mậu dịch, kì diệu, …
+ Các tiếng có thanh sắc hoặc thanh hỏi thường viết gi.
Ví dụ: giải thích, giảng giải, giá cả, giám sát, giới thiệu, tam giác, …
+ Các tiếng có thanh huyền hoặc thanh ngang thường viết với âm đầu gi khi vần có âm đầu a và viết với âm đầu d khi vần có âm đầu khác a.
Ví dụ: gian xảo, giao chiến, giai nhân, tăng gia, gia nhân, du dương, do thám, dương liễu, dư dật, ung dung, …
– Trong cấu tạo từ láy:
+ Láy âm: Cả gi, r, d đều có từ láy âm. Nếu gặp từ láy âm thì có thể chọn cả hai tiếng cùng có âm đầu gi, r hoặc d.
Ví dụ: giành giật, giãy giụa, giục giã, già giặn, giấm giúi, … dai dẳng, dào dạt, dằng dặc, dập dìu, dãi dầu, … ríu rít, ra rả, rì rào, réo rắt, run rẩy, rung ring, rưng rức, rùng rợn, rón rén, rừng rực, rạng rỡ, rực rỡ, …
+ Láy vần: Tiếng có d thường láy với tiếng có l, tiếng có r thường láy với tiếng có b hoặc c, tiếng có gi thường láy với tiếng có n.
Ví dụ: lim dim, lò dò, lai dai, … bứt rứt, cập rập, bịn rịn, co ro, cò rò, bủn rủn, … gian nan, gieo neo, giãy nảy.
– Một số từ láy có các biến thể khác nhau: rào rạt – dào dạt, rập rờn – giập giờn, dân dấn – rân rấn, dun dủi – giun giủi, dấm dứt – rấm rứt, dở dói – giở giói, gióng giả – dóng dả, réo rắt – giéo giắt. rậm rật – giậm giật, …
– Trong cấu tạo từ ghép giữa r, d, và gi. Chỉ có từ ghép có tiếng âm đầu gi và tiếng có âm đầu d, không có từ ghép có tiếng âm đầu r và âm đầu d hay âm đầu r và âm đầu gi.
Ví dụ: già dặn, giáo dục, giao dịch, giả dối, giản dị, giao du, giảng dạy, giận dữ, gian dối, giận dỗi, giao duyên

4.5 Quy tắc sử dụng âm đầu c/k/q

+ q luôn bao giờ cũng đi với âm đệm u để thành qu
+ c luôn đứng trước các nguyên âm: a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư.
+ k luôn đứng trước các nguyên âm: i, e, ê.

V. QUY TẮC CHÍNH TẢ THANH ĐIỆU DẤU GIỌNG HỎI NGÃ

5.1 Tổng kê về các âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã
Có tất cả 1,256 âm tiết với dấu hỏi hoặc với dấu ngã trong tổng số 6,718 âm tiết hiện đang được xử dụng trong tiếng Việt :
– 783 âm tiết (khoảng 62%) viết dấu hỏi và
– 473 âm tiết (khoảng chừng 38%) viết dấu ngã.
Nhận xét thứ nhất: Việc phân biệt dấu giọng hỏi ngã có hữu hiệu và tốn ít công sức nên tập chú vào sự nắm vững các từ viết dấu ngã vì số lượng các từ này ít hơn so với từ có dấu hỏi.
Nhận xét thứ hai: Trong tiếng Việt xử dụng hàng ngày hiện nay, khoảng 60-62% là tiếng Hán-Việt. Tiếng Hán-Việt có quy luật riêng về dấu Hỏi Ngã. Có 292 âm tiết Hán Việt, trong đó 182 âm tiết Hán Việt hỏi (62%) và 110 âm tiết Hán Việt ngã. Do vậy việc nắm được quy luật dấu hỏi và dấu ngã của từ Hán Việt sẽ giúp ta giảm được nhiều lỗi chính tả. Nói chính xác hơn, khoảng chừng 110 âm tiết của từ Hán Việt viết dấu ngã cho nên nắm vững được 110 âm tiết đó, nâng trình độ thấu biết chính tả thanh điệu dấu giọng hỏi ngã đạt tới trên 60%.
Bảng 1,15. Phân bố 292 âm tiết Hán Việt hỏi ngã, Nguồn tài liệu: Chính tả tiếng Việt, Hoàng Phê, 1999.

CVH - H 17ACVH - H 17B
Nhận xét thứ ba: Sự phân biệt tiếng đôi, tiếng ghép của Hán Vìệt, và tiếng lấp láy—một đặc điểm của tiếng Nôm và tiếng thuần Việt— giúp cho sự phân biệt và đặc định quy tắc hỏi ngã càng thêm dễ dàng.
– Tiếng đôi đều có trong tiếng Hán Việt hay tiếng Nôm.
o Phần lớn từ Hán Việt gồm hai tiếng trở lên. Các từ Hán-Việt thường không tách ra dùng riêng một mình, mà phải dùng trọn từ. Tiếng đôi Hán Việt do sự kết hợp hai tiếng Hán Việt như là nhạc sĩ, thi sĩ, hàn sĩ, giáo sư, gia sư, đạo sư, phúc đức.
o Tiếng đôi Nôm là do hai hoặc ba tiếng hợp lại làm cho rõ ý, hoặc dịu giọng.
 Tiếng Nôm đôi do sự kết hợp hai tiếng Nôm đều có nghĩa độc lập và bình đẳng ngang nhau như là thôn xóm, xinh tươi, lầm lỡ, lỡ dở, rỗi rảnh, tỏ rõ, mồ mả.
 Tiếng Nôm đôi do sự kết hợp liên hiệp của hai tiếng phụ thuộc lẫn nhau để làm rõ thêm nghĩa: tàu ngầm, máy bay.
– Tiếng ghép là tiếng Hán Việt do hai hoặc ba tiếng có nghĩa hợp lại tạo nên tiếng mới.
o Tiếng ghép do hai từ tố có ý nghĩa hay “từ căn” kết hợp với nhau. Ví dụ: quốc gia, điện thoại, yên tâm, trẻ tuổi, tiểu vương, đội viên.
o Tiếng ghép Hán Việt dễ được nhận dạng khi tiếng chỉ định được đặt trước tiếng được chỉ định, ví dụ như bạch vân mây trắng, thanh sơn núi xanh, thảm cảnh cảnh khổ, lạc cảnh cảnh vui.
o Nói chung, trong tiếng đôi, tiếng Hán Việt liên kết với tiếng Hán Việt.
– Tiếng đôi lấp láy là tiếng Nôm đôi hợp thành về âm thể, âm vận,giọng điệu, nhóm giọng. Tiếng đôi lấp láy gồm một tiếng Nôm có nghĩa với một tiếng không nghĩa ví dụ như mới mẻ, đẹp đẽ.
o Liên hệ về âm:
 Tiếng đôi lấp láy liên hệ ở phụ âm đầu như đ-đ, l-l, m-m, n-n
 Tiếng đôi lấp láy liên hệ về vần như ải, ẫm, ễ
 Tiếng đôi lấp láy liên hệ ở phụ âm đầu và vần k-k, inh-ỉnh ví dụ khinh khỉnh
o Liên hệ về giọng điệu
 Cùng một giọng điệu ví dụ về dấu hỏi: lỏng chỏng, thỉnh thoảng, ví dụ về dấu ngã: dễ dãi, lễ mễ.
 Cùng nhóm giọng: cả hai tiếng trong tiếng đôi lấp láy đều thuộc cùng nhóm giọng
• Giọng cao nhóm giọng Bổng như là vui vẻ, lửng lơ.
• Giọng thấp nhóm giọng Trầm như là đẹp đẽ, mạnh mẽ.
– Các Tiếng-Nôm-đôi và Tiếng-Nôm-Lấp-láy thì đều có khả năng dùng riêng ra từng chữ và nghĩa của chữ dùng riêng đều rõ và dễ nhận biết. Ví dụ: xe lửa, xe đạp.
Theo g.s. Lê Ngọc Trụ:
“Về thinh, cũng nhờ luật phiên thiết của tự điển Trung Hoa mà định được chánh tả, đại để những âm khởi đầu thanh thuộc dấu hỏi, những âm khởi đầu trọc thuộc dấu ngã:
1) Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng nguyên âm: a, â, ê, i, y, o, ô, u, ư đều viết dấu hỏi, vì các nguyên âm thuộc thanh âm.
2) Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng ch, gi, kh, đều viết dấu hỏi, vì các phụ âm, ấy thuộc thanh âm;
3) Tất cả tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng hữu âm: l, m, n, ng, nh, đều viết dấu ngã, vì thuộc trọc âm, trừ chữ ngải cứu.
Phụ-âm v, d thuộc âm trọc cũng viết dấu ngã, trừ phiếu diểu. Mấy phụ âm khởi đầu khác, vì đều có ở hai bực thanh và trọc, nên phải tra tự điển; nhưng cũng theo luật chung: thanh viết dấu hỏi, trọc dấu ngã”.
5.2. DẤU HỎI NGÃ CỦA TỪ HÁN VIỆT

CVH - H 18
Mẹo cho dễ nhớ dùng dấu ngã “Mình Nhớ Nên Viết Là Dấu Ngã.” M Nh N V L D N

CVH - H 19

– Lãng mạn, lãng du, lãng phí, lãng trí, lãnh hội, lãnh đạo, lãnh đạm, lãnh sự, lãnh tụ, lão bộc, lão gia, lão luyện, lẫm liệt, lễ bái, lễ nghĩa, lễ phép, lễ mễ, lỗ lã, lỗ mãng, lỗ vốn, lũng đoạn, lũng núi, luỹ thành, lũy tre, lữ khách, lữ thứ, lữ xá..
– Mã lực, mã số, mã não, mãi dâm, mãi lộ, mãn khai, mãn kiếp, mãn nguyện, mãnh hổ, mãnh lực, mãnh thú,mẫn cán, mẫn thế, mẫn tiệp, mẫu hệ, mẫu quốc, mẫu nghi, mỹ nữ.
– Não bộ, não thất, não tủy, nỗ lực, nữ giới, nữ hoàng, nữ sĩ.
– Ngã lẽ, ngã lòng, ngã ngũ, ngã quỵ, ngẫu hứng, ngẫu nhiên, ngỗ nghịch, ngỗ ngược, ngũ âm, ngũ cốc, ngũ cung, ngũ thường, ngữ văn.
– Nghĩ ngợi, nghĩa cử, nghĩa dũng, nghĩa khí, nghĩa trang, nghiễm nhiên.
– Nhã nhặn, nhã ý, nhãn khoa, nhãn hiệu, nhãn lực, nhãn tiền, nhẫn nại, nhĩ mục, nhiễm bệnh, nhiễm xạ, nhiễm trùng, nhũ mẫu.
– Dã sử, dã thú, dẫn dụ, dẫn độ, dĩ nhiên, dĩ vãng, diễm lệ, diễm tuyệt, diễn đàn, diễn đạt, dũng khí, dũng mãnh, dũng lực, dữ kiện, dữ liệu, dưỡng dục, dưỡng đường.
– Vãn bối, vãn cảnh, vãn hồi, vãng cảnh, vãng lai, vĩ đại, vĩ tuyến, viễn thị, viễn thông, vĩnh biệt, vĩnh hằng, vĩnh viễn, võ bị, võ trang, võng lọng, vỏng điều,vũ nữ, vũ trụ.
Quy Tắc (2) DẤU HỎI Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng các nguyên-âm: A, Â, Y, O, Ô, U, Ư hoặc nguyên âm có bán nguyên âm cuối hay phụ âm cuối hữu thanh như ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu đều viết DẤU HỎI vì các nguyên-âm của tiếng Hán Việt thuộc thanh âm bổng.
Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng phụ âm thuộc thanh âm bổng CH, GI, KH, PH, TH, S, X dùng dấu hỏi.

Quy tắc (2) Ví dụ về các từ Hán Việt có dấu hỏi:

Nguyên âm: ả, ảo, ẩn, yểu, uẩn, uỷ.
ải, ảm, ảnh, ảo, ẩm, ấn, ẩu, ổn, uẩn, ủng, uổng, uỷ, uyển, ỷ, yểm, yểu
Phụ âm
b bảo, bỉ, bỉnh, bổng, bửu
c/k/q cảo, cổ, củ, kỉ, kiểu, quả, quản, quảng, quỷ
đầu ch chẩn, chỉ, chiểu, chỉnh, chủ, chuẩn, chủng, chuyển ,chử, chưởng
đầu đ đả, đẩu, để, điểu, đổ
gi giả, giải,giản, giảo
H hảo, hỉ, hổ, hủ
đầu kh khả, khải,khẩn, khẩu, khổ, khởi
ph phả, phỉ, phổ
S sản,sỉ, sổ, sửu
T tả, tảo, tể, tỉ, tổ, tử
th thải, thổ, thủ, thưởng
tr trảo, trảm, triển, trưởng
X xả, xảo, xỉ, xử
– chẩn tế, chẩn đoán, chỉ huy, chỉ trích, chỉnh đốn, chủ tọa, chuẩn bị, chủng tử, chuyển tải, chưởng quản
– giả trang, giải oan, giải quyết, giải phẫu, giảm thiểu, giản lược, giảng giải, giảo hình, giảo quyệt
– khả ái, khả kính, khả dĩ, khải hoàn, khảo thí, khẩn cầu, khẩn thiết, khẩu hiệu, khổ chủ, khủng hoảng
– phả hệ, phản chiếu, phản bội, phẩm cách, phẩm giá, phỉ báng, phỉ chí,phổ độ, phổ thông, phủ nhận.
– thải hồi, thảm cảnh, thảm sầu, thảm thương, thản nhiên, thảo am,thảo mộc,thẩm án
– sản khoa, sảng khoái, sảnh đường, sỉ nhục, siểm nịnh, siểm trá, sở dĩ, sở đắc, sở đoản, sủng ái
-xả tang, xả thân, xảo hoạt, xảo kế, xảo ngôn, xảo trá, xuẩn động, xử hòa, xử lý, xử trí, xưởng dệt
Quy tắc (2) này có khoảng 30 trường hợp ngoại lệ, cần nhớ thuộc lòng.
Quy Tắc (3) LUẬT THANH TRỌC Tiếng Hán Việt khởi đầu bằng mấy phụ-âm khác, gồm có B, C, Đ, H, K, QU, và T, vì đều có ở cả hai bậc Thanh và Trọc, phải tra tự điển; nhưng cũng theo luật “Thanh viết dấu HỎI, Trọc dấu NGÔ.

5.3 Viết Đúng Chính Tả Hỏi Ngã Cho Tiếng Nôm hay Thuần Việt
Áp Dụng Luật Bổng Trầm:
“KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI; HUYỀN, NẶNG, NGà = NGÔ
Quy Tắc (4) LUẬT BỔNG TRẦM Tất cả TIẾNG NÔM CÓ GỐC HÁN-VIỆT đều tùy tiếng gốc bỏ dấu theo luật: “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI; HUYỀN, NẶNG, NGà = NGÔ

Vỉ dụ: hỏi: bản / vốn bản / ván bỉnh / bánh chủng / giống đoản / vắn khổ / khó
Vỉ dụ: ngã: cưỡng / gượng hoãn / chậm hãi / sợ đãi / chậm
Quy Tắc (5) LUẬT BỔNG TRẦM Tất cả TIẾNG NÔM ĐƠN, KHÔNG CÓ GỐC HÁN-VIỆT đều tùy tiếng chánh bỏ dấu theo luật: “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI; HUYỀN, NẶNG, NGà = NGÔ
Vỉ dụ: bổng: phản / ván mảnh / miếng cổi / cởi tỏa / tủa ngửi / hửi biểu / bảo
Vỉ dụ: trầm: đỗ / đậu chẵn / trọn chõi / chọi lưỡi / lợi lỡ / nhỡ gẫm / nghĩ
Quy Tắc (6) MỖI TIẾNG GIỮ CHÍNH TẢ RIÊNG TIẾNG-NÔM-ĐÔI mà HAI TIẾNG ĐỀU CÓ NGHĨA thì Không theo Luật Trầm Bổng mà mỗi tiếng giữ chánh tả riêng
Ví dụ: mồ mả, dở lỡ, đầy đủ, cú rũ, rỗi rảnh, lú lẫn, kiêng cữ, trồng trỉa
Quy Tắc (7) LUẬT BỔNG TRẦM TIẾNG-NÔM “LẤP-LÁY” là TIẾNG ĐÔI có một tiếng không nghĩa, hoặc cả Hai tiếng đều không nghĩa, thì tiếng sau tùy tiếng trước mà bỏ dấu theo luật “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI; HUYỀN, NẶNG, NGà = NGÔ.
Ví dụ: đẹp đẽ, lải nhải, mát mẽ, lễ mễ, khinh khỉnh, lỏng chỏng, vui vẻ, nho nhỏ
Quy Tắc (8) THUẬN THINH ÂM TIẾNG ĐÔI vì Thuận-thinh-âm mà BỎ BỚT một dấu giọng thì KHÔNG THEO luật “KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI;
HUYỀN, NẶNG = NGÔ vì đó là tiếng chánh lập lại
Ví dụ: khe khẽ/khẽ khẽ dê dễ/dễ dễ đăng đẵng/đằng đẵng kỹ càng/kỹ cang
Quy Tắc (9) DẤU HỎI Tất cả TIẾNG NÓI TẮT GỘP ÂM giản ước hai chữ thành một đều viết Dấu Hỏi.
Ví dụ: anh+ấy = ảnh, ông+ấy = ổng, hôm+ấy= hổm, năm+ấy = nẳm, con mẹ ấy = con mẻ.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. CHÁNH TẢ VIỆT NGỮ, Lê-ngọc-Trụ, Trường Thi, Sài Gòn
2. VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ, Lê-ngọc-Trụ, Thanh Tân, Sài Gòn, 1959
3. CHÁNH TẢ TIẾNG VIỆT, Hoàng Phê, Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 1999.
4. VIỆT NAM TỰ ĐIỂN, Lê-văn-Đức và Lê-ngọc-Trụ, Khai Trí, Sài Gòn, 1970
5. VIỆT NAM TỰ ĐIỂN, Hội Khai Trí Tiến Đức, Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1931
6. TÔI TẬP VIẾT TIẾNG VIỆT, Nguyễn Hiến Lê, Văn Nghệ, USA, 1988
7. HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, Đào-duy-Anh, Trường Thi, Sài Gòn, 1957
8. Lối đọc chữ Hán Lê Ngọc Trụ, Tập san Đại học Văn Khoa (Sài Gòn) 1968.
9. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nguyễn Tài Cẩn, Hà Nội, 1979
10. TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Hoàng-Phê, Viện Ngôn Ngữ, Hà Nội 1994
11. Phép bỏ Dấu Hỏi Ngã Trong Tiếng Việt &VIỆT NGỮ HỎI NGÃ TỰ VỊ, ĐINH SĨ TRANG, Australia, TÁI BẢN NĂM 2003