QUY ƯỚC THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ CHỮ VIỆT

ĐỀ TÀI 2:
QUY ƯỚC THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ CHỮ VIỆT

Hinh NST
Tiểu Sử Nhà Giáo Song Thuận
– Tên thật Nguyễn Song Thuận, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1936 tại châu Tiên Yên, Tỉnh Hải Ninh.
– Kỹ Sư Thú-y, Cao Học Chính Trị Kinh Doanh, cựu Giáo Sư Trung Học Đệ Nhị Cấp, Trường Văn Hoá Quân Đội Sài Gòn (lớp Tối) từ 1965 – 1970.
– Cụu học sinh Chu Văn An, cựu Đại Úy QLVNCH- ngành Thú y- Cục Quân Y.
– Tù Cải Tạo CS – Trảng Lớn – Long Khánh – Trảng Táo – Chứa Chan (1976-1979)
– Vượt Biên sang Mỹ (1980), Chứng Chỉ Radiation Safety – USC – Chức vụ Supervisor – Hãng Radiation Sterigenics Tustin -1980-2001.
– Nguyên CEO – sáng lập Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt (1980) – Sáng lập Giải Thưởng Học Sinh – Sinh Viên Việt Nam Gương Mẫu & Sáng lập Nhóm Thực Hiện Từ Điển Việt tại hải ngoại (2011).
– Talk shows: Những Nẻo Đường Việt Nam (VHN-TV & Hồn Việt TV), Phong Tục Việt Nam Xưa và Nay (VHN-TV), KVLA, Văn Hoá Việt (IBC – TV), Đài Việt Mỹ (Việt Nam Tranh Đấu Sử), Việt Phố TV và Radio Houston – Texas.
– Tác Phẩm : Thơ Nguyễn Lê Tập I & II, “Chồng Con” với Ngọc Loan, “Bất Khuất” (Kịch Thơ – 2005), Chủ biên “Tuyển Tập Thi Nhạc Vịnh Sử Việt Nam” (2007), Chủ Biên “Luân Lý Đức Hạnh” (2009), chủ biên “Lam Sơn Khởi Nghĩa (2010), CD & DVD Hùng Sử Việt.
– Nhiều bài thơ lịch sử (bút hiệu Song Thuận) được Nhạc Sĩ Xuân Điềm phổ nhạc.
– Chủ biên “Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ”.
– Chủ biên “Sổ Tay Chính Tả Tiếng Việt – Tập 1, Tập II & Tập III”.
– Giảng viên một số “Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm” do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ tổ chức.


NỘI DUNG ĐỀ TÀI 2:
QUY ƯỚC THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ CHỮ VIỆT

I- Tổng quát
Chữ Việt ngày nay chính là chữ Quốc Ngữ do các vị Cố Đạo nước Ý (Italia), Pháp (France) , Tây Ban Nha (Spain) và Bồ Đào Nha (Portugal), sang Việt Nam (thời đó gọi là An-Nam) giảng đạo Thiên Chúa tại “Đàng trong” (miền Nam) và “Đàng ngoài” (miền Bắc), cách đây hơn ba trăm năm, đã sử dụng các chữ cái La-Mã mà sáng chế ra. Trong số quý vị này, Linh Mục Alexandre De Rhodes có công nhất. Những vị học giả Việt Nam có công truyền bá chữ Quốc Ngữ, phải kể tới quý ông Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), Trương Vĩnh Ký (1837- 1898), Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Trần Trọng Kim (1883-1953), Phạm Quỳnh (1892-1945), Dương Quảng Hàm (1898-1946). .. Các Phong trào và tổ chức phổ bìến và kiện toàn chữ Quốc Ngữ, như “Tự Lực Văn Đoàn” (1932-1944), các “Thi Văn Đoàn”, “Câu Lạc Bộ Văn Học” và “Văn Bút Việt Nam”…
II- Phương Pháp và mẹo luật được áp dụng cho việc thống nhất chữ Việt
(Trong phần này, đa số mẹo luật chỉ là những đề nghị dùng để thảo luận, cốt ý tìm ra một phương thức thống nhất chính tả trong “tinh thần Việt Nam”. Những đề nghị này có thể khác với lý thuyết vể ngôn ngữ học, ngữ âm học hay âm vị học. Chúng tôi chỉ áp dụng ngữ âm học cho việc đánh dấu chữ Việt).
1- Nhóm Thực hiện Từ Điển Việt Nam tại hải ngoại chủ trương: “Viết chính tả tiếng Việt theo ý nghĩa và sự phân biệt, không theo cách phát âm”
a- Biến âm:
– Đây là sự thay đổi chữ viết theo giọng đọc địa phương con giai thành con trai (giai => trai, hay “gi” => “tr”). Tương tự “giời” thành “trời”, “giăng” thành “trăng”, “giăng giối” thành “trăng trối”; (trăng có “g”, không phải “trăn” như trăn trở), giòng =>tròng. Theo mẹo luật này, ta viết “dòng” như dòng sông, dòng kẻ, dòng đời (danh từ), nhưng giòng thuyền (tròng dây kéo thuyền ngược dòng sông), tròng dây vào gàu thả xuống giếng kéo nước lên). Giòng viết ở đây là động từ.
– Dún dẩy/nhún nhẩy, dăn dúm/nhăn nhúm, dăn deo/nhăn nheo…
– Đứng trước “e, ê, i”, “c” đổi thành “k”, “g” đổi thành “gh”, “ng” đổi thành “ngh”. Thí dụ: ke, kê, ki (không viết ce, cê, ci), ghe, ghê, ghi (không viết ge, gê. gi), nghe, nghê, nghi (không viết nge, ngê, ngi).
– Thương mại hay thương mãi? Chữ mại và chữ mãi gốc Hán Việt có nghĩa khác nhau, nhưng thường bị lẫn lộn. Mẹo để nhớ là: “MUA THÌ CÒN MÃI” (mãi là mua).
– Trầm trồ khen ngợi hay trằm trồ khen ngợi? Trầm/Trằm phát âm hơi giống nhau, nhưng nghĩa khác nhau. Trầm gốc Hán Việt có nghĩa là chìm (trầm ngư lạc nhạn, tự trầm). Còn “trằm” là biến âm của “trăm” (một trăm lần, nhiều lần). Vậy trằm trồ khen ngợi.
– Người miền Nam viết “đi về”, nhưng đọc là “đi giề”, “vui vẻ”/”giui giẻ”.
– Theo Lê Ngọc Trụ, còn sự “biến trại” như sau: ch <=>gi (chủng > giống; chỉ > giấy; chi > gì; chêm >giặm; chìm >gìm… tr< =>gi, như: tranh > giành; trương > giương; trao > giao… tr <=> ch như: trản> chén; trảm > chém; truyện > chuyện.
b- Mẹo đội nón: Người, động vật, sâu bọ ở nhà, ở hang, ở tổ giống hình dáng cái nón che mưa nắng. Thi dụ: thầy giáo/thày lay, cầy cáo/cày bừa, sâu rầy cắn lúa/từ rày trở đi…
c- Mẹo dùng sức: viết “gi” khi phải dùng đến sức lực. Thí dụ: giấu giếm/dấu chân, trống giong cờ mở/hình dong, giăng biểu ngữ/mưa dăng dăng, giạng chân/hình dạng, giáng một bạt tai/bóng dáng, giông tố/ dông mất, giành độc lập/để dành…
d- Mẹo Hỏi, Ngã: Cô Huyền mang nặng, ngã đau (đối với chữ ghép đôi, một chữ mang dấu huyền hay dấu nặng, chữ kia mang dấu ngã – Huyền, Nặng => Ngã). Thí dụ: dòng dõi, lộng lẫy. Ngoại lệ:hoàn hảo, học hỏi.
Cậu Ngang sắc mắc, hỏi sao thế này (đối với chữ ghép đôi, một chữ mang dấu sắc hoặc không dấu, chữ kia mang dấu hỏi – Ngang (không dấu), Sắc => Hỏi ). Thí dụ: liêm sỉ, bóng bẩy. Ngoại lệ: thoáng đãng, than vãn.
III- Sử dụng và phát triển chữ Quốc Ngữ
Chữ Quốc Ngữ được phát triển mạnh kể từ năm 1919, sau khi các kỳ thi bằng chữ Hán bị huỷ bỏ. Pháp đô hộ Việt Nam và dùng chữ Pháp là ngôn ngữ chính trong các văn kiện hành chính. Vì chữ Pháp không thông dụng đối với đa số người Việt Nam, hơn nữa, người Pháp muốn dân Việt quên quá khứ, không còn chịu ảnh hưởng của người Trung Hoa, để dễ “phục tùng” nước Pháp, nên bên cạnh chữ Pháp là chữ Quốc Ngữ trong các kỳ thi đào tạo “ông Thông”, “ông Phán”. Cũng nhờ chữ Quốc Ngữ dùng hầu hết chữ cái La-Mã ghép lại làm ký hiệu cho tiếng nói, nên người Pháp dễ có cảm tình với chữ Quốc Ngữ hơn chữ Hán. Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt như vậy, chữ Quốc Ngữ đã có cơ hội “chắp cánh bay cao”…
IV- Chữ cái và các dấu dùng để ký hiệu tiếng Việt
1- Bảng chữ cái tiếng Việt:
(1) A/a, (2) Ă/ă, (3) Â/â, (4) B/b, (5) C/c, (6) CH/ch, (7) D/d, (8) Đ/đ, (9) E/e, (10) Ê/ê, (11) G/g, (12) GI/gi, (13) GH/gh, (14) H/h, (15) I NGẮN/i ngắn, (16) K/k, (17) KH/kh, (18) L/l, (19) M/m, (20) N/n, (21) NG/ng, (22) NGH/ngh, (23) NH/nh, (24) O/o, (25) Ô/ô, (26) Ơ/ơ, (27) P/p, (28) PH/ph, (29) Q/q, (30) QU/qu, (31) R/r, (32) S/s, (33) T/t, (34) TH/th, (35) TR/tr, (36) U/u, (37) Ư/ư. (38) V/v, (39) X/x, (40) Y DÀI/y dài .
2- Dấu chữ Việt: Có 3 loại dấu là dấu giọng, dấu chữ và dấu câu.
a- Dấu giọng: Năm dấu và 6 giọng (những chữ không dấu được coi như có giọng của vần bằng). Năm dấu là: sắc (‘), huyền (`), hỏi (?), ngã (~), nặng (.).
b- Dấu chữ: dấu khăn hay dấu á (Ă/ă), dấu mũ (Â/â – Ê /ê – Ô/ ô) và dấu móc (Ơ/ơ – Ư/ư).
c- Dấu câu: Có 12 dấu câu thường dùng như: dấu chấm (.), chấm phảy (;), phảy (,), hai chấm (:), chấm than (!), chấm hỏi (?), dấu ngoặc đơn (( )), dấu ngoặc kép (” “), dấu chấm lửng (… )
d- Vần (vận) tiếng Việt:
Theo phương pháp mới, học sinh học viết chữ Việt chỉ cần học tới vần ghép ba, như vậy sẽ học nhanh và dễ hơn:
– Vần đơn: Những nguyên âm và biến âm của nguyên âm đứng riêng rẽ một mình, tạo thành vần đơn. Thí du: u, ư, o, ô, ơ, a, e, ê, y, i, ă, â.
– Vần ghép đôi (vần kép) là do hai nguyên âm ghép với nhau, hoặc một nguyên âm ghép với một phụ âm. Thí dụ: oa, oe, uy, ui, iu, uơ , ua, uê, uy, ut, un, um, uc, up, ia, im, in, it, ưi, ưu, ưa, oi, ep, op, ot…
– Vần ghép ba: iêt, iên, iêm, iêc, iêp, inh, ich, uôi, uây, uất, uân, uya, uôt, uôn, uôm, uôc, uyt, ung, oai, oay, oeo, oat, oăt, oan, oam, oac, oet, oen, ong, ông, ach, anh, ang, ăng, âng, eng, êch, ênh, êng, ươu, ươi, ươt, ươn, ươm, ươc, ươp, ưng. yên, yêt, yêm, ynh.
– Mười sáu vần có bốn chữ cái thông dụng là: iêng, oach, oang, oanh, oăng, oong, ôông, uâng, uông, uyên, uyêt, uêch, uênh, ương, uych, uynh.
– Tách vần (để chỉ còn vần ghép ba): i-êng, o-ach, o-ang, o-anh, o-ăng, o-ong, ô-ông, u-âng, u-ông, u-âng, u-ênh, u-êch, u-yêt, u-yên, u-ynh, u-ych, ư-ơng.
– Ghép vần: Ti-ếng = tiếng, to-ang = toang (mở toang cửa sổ).
V- Năm quy ước viết chữ Việt
1- Quy ước phát âm và đánh vần chữ Việt:
1a- Quy ước phát âm: Phân biệt tên chữ và âm chữ:
– Tên chữ: Là tên gọi những chữ cái gốc La-Mã. Tên gọi những chữ cái này áp dụng chung cho một số dân tộc dùng chữ cái La-Mã làm ký hiệu cho tiếng nói của dân tộc mình. Thí dụ người Pháp, người Mexico và người Việt đều phát âm giống nhau khi đọc các chữ a, b, c… Đó là tên chữ.
– Âm chữ: Ngoài tên chữ, đối với người Việt, khi ghép vần thường phát âm những phụ âm khác với tên chữ. Thí dụ chữ b, tên chữ đọc là “bê”, nhưng khi ghép vần, phát âm là “bờ” (thí dụ bờ-a=ba), “bờ” là âm chữ.
– Nguyên âm:
Những chữ cái đứng một mình có thể phát âm thành tiếng và có nghĩa, gọi là nguyên âm. Thí dụ a, e, i ngắn, o, u, và y dài. Cách phát âm và nghĩa của 6 nguyên âm này như sau:
A/a (a – A! anh đã về), E/e (e – e ngại), I/i (i ngắn – Bé mới học i tờ), O/o (o – ngáy o o) , U/u (u – thầy u), Y/y (y dài – y ngyên).
Chú ý : Vì i ngắn và y dài phát âm gần giống nhau nên được phân biệt bằng hình dạng ngắn dài của chúng. Tuy phát âm gần giống nhau, nhưng mỗi chữ i ngắn và y dài đều cần thiết và có nhiệm vụ riêng biệt. Không thể tuỳ tiện bỏ đi một chữ hay thay thế chữ nọ bằng chữ kia. Thí du i ngắn có nhiệm vụ tạo ra vần “ui” và vần “ai” trong khi y dài có nhiệm vụ tạo ra vần “uy” và vàn “ay”. Bỏ đi y dài, ta sẽ mất vần “uy” và vần”ay”, và sẽ đọc “thuý” thành “thúi”, “tay” thành “tai”, có nghĩa khác hẳn.
– Biến âm của nguyên âm:
Thêm dấu chữ vào một số nguyên âm kể trên, ta sẽ có: ă, â, ê, ô, ơ, ư gọi là biến âm của nguyên âm.
– Cách phát âm và nghĩa các biến âm của nguyên âm như sau:
Ê/ê (ê – ê ẩm), Ô/ô (ô – cái ô hay cái dù), Ơ/ơ (ơ – ơ hờ), Ư/ư (ư – ư hử).
(Chú ý: Các chữ ă và â đứng một mình, không phát âm được và không có nghĩa. phải mượn âm “a” và âm “ơ” để phát âm: Ă/ă (á), Â/â (ớ).
– Phụ âm
Những chữ cái đứng một mình, không phát âm được (phải phụ thuộc vào nguyên âm) và không có nghĩa, gọi là phụ âm.
– Phụ âm và cách phát âm theo thứ tự trước (tên chữ), sau (âm chữ). Thí dụ: B/b (bê – bờ) – “bê” là tên chữ, “bờ” là âm chữ.
B/b (bê – bờ); C/c (xê – cờ); CH/ch (xê-hát – chờ); D/d (dê – dờ); Đ/đ (đê – đờ); G/g, (dê dướì – gờ); GI/gi (dê-i – giờ), GH/gh (dê-hát – gờ); H/h (hát – hờ); K/k (ca – cờ); KH/kh (ca-hát – khờ); L/l (e-lờ – lờ); M/m (em-mờ – mờ); N/n (en-nờ – nờ); NG/ng (en-giê – ngờ); NGH/ngh (en-giê-hát – ngờ), NH/nh (en-hát – nhờ); P/p, (pê – pờ); PH/ph (pê-hát – phờ); QU/qu (cu-u – quờ); R/r (e-rờ – rờ); S/s (ét-sì – sờ); T/t (tê – tờ); TH/th (tê-hát – thờ); TR/tr (tê-e-rờ – trờ); V/v (vê – vờ) X/x (ích-xì – xờ).
1b- Quy ước đánh vần chữ Việt
– Phương pháp đánh vần dùng tên chữ (cổ, ít dùng): Thí dụ chữ “chân”: c-h-â-en-nờ = chân (xê-hát-ớ-chớ-en-nờ-chân = chân)
– Phương pháp đánh vần dùng âm chữ (mới): chờ- ân-chân=chân
– Phương pháp tách vần và ghép vần (đề nghị): Thí dụ “chuông” gồm phụ âm “ch” ghép với vần “uông”. Trước hết, tách vần “uông” thành “u” và “ông”: u-ông. Sau đó, ghép vần “chu” và “ông” (đọc nhanh “chu-ông” thành = chuông).
– Phương pháp tách vần và ghép vần
– Tách vần: Tách các vần dài thành hai vần ngắn, dễ nhớ, hoặc tách một vần ngắn thành hai. Thí dụ vần “ươn” thành ư và ơn (ư-ơn), “uyết” thành u và yết (u-yết), vần oa thành o và a (o-a), oe thành o và e (o-e) vần uý thành u và ý (u-ý).
– Ghép vần: bư-ơn (đọc nhanh thành bươn), tu-yết (đọc nhanh thành tuyết), ho-a (đọc nhanh thành hoa), lo-e (đọc nhanh thành loe), thu-ý (đoc nhanh thành thuý).
2- Quy ước đánh dấu tiếng Việt
Dấu chỉ đánh trên nguyên âm, ưu tiên đánh trên biến âm của nguyên âm (ă, â, ê, ô, ơ, ư). và trên chủ âm (chủ âm là âm chính).
– Ưu tiên 1: Dấu đánh trên 6 biến âm của nguyên âm (ă, â, ê, ô, ơ, ư). Thí dụ: Huế, cửa, thuở. chửa…
– Ưu tiên 2: Dấu đánh trên chủ âm (các vần oa, oe, uy – a, e, y là chủ âm – đọc to lên, nghe rõ âm các chữ a, e, y dài). Thí dụ: Văn hoá, hoa hoè, Thuý, uỷ nhiệm.
– Trường hợp có hai nguyên âm đứng cạnh nhau cùng ưu tiên: đánh dấu trên nguyên âm thứ hai. Thí dụ : tướng, toáng, loáng.
– Trường hợp có 3 nguyên âm đứng cạnh nhau: đánh dấu trên nguyên âm đứng giữa.
– Chú ý: Cách đánh dấu trên chủ âm gọi là cách đánh dấu theo “ngữ âm hoặc âm vị”. Cách này phù hợp với cách tách vần và ghép vần nói trên. Thí dụ theo cách đánh dấu cũ, chữ “hóa”, tách ra thành “hó-a” có âm là “hoa”, nhưng ho-á có âm là “hoá”, ló-e có âm là loe, nhưng lo-é có âm là loé, thú-y có âm là thuy, nhưng thu-ý có âm là thuý…
3- Quy ước viết hoa và phiên âm tên người
3a- Viết hoa theo quy tắc trong văn phạm Mỹ (capitalization) những tên riêng như tên người, quốc gia, đường phố, hội đoàn, cơ sở, tên ngày thứ tự trong tuần lễ, ngày tháng năm… Thí dụ: Lý Thường Kiệt; nước Mỹ; đường Đinh Tiên Hoàng; Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Trưng Vương; Nam California; hãng Toyota; Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật; Tháng Giêng, Tháng Hai, Tháng Ba… Tháng Mười Một hay Tháng Một, Tháng Mười Hai hay Tháng Chạp; năm Nhâm Thìn, năm Quý Tỵ.
3b- Phiên âm tên người:
– Viết tên họ người Trung Hoa: Tên họ người Trung Hoa đôi khi lẫn lộn với tên họ người Việt, do đó nên dùng phương pháp Pinyin (bính âm) để phiên âm tên họ người Trung Hoa bằng chữ cái La-Tinh trước, sau đó viết tên người Trung Hoa theo phiên âm Hán Việt trong dấu ngoặc đơn. Thí dụ: Sun-Yat-Sen (Tôn Dật Tiên).
3c- Viết tên người, tên quốc gia, tên tỉnh và tên nước ngoài: Có thể phiên âm theo tiếng Việt, nhưng viết tên gốc trong dấu ngoặc đơn. Thí dụ: Cu-ba (Cuba), Trường hợp đã quen với cách phiên âm theo gốc tiếng Hán Việt, nên giữ nguyên và cũng viết nguyên văn tên người, tên Quốc gia hay tên tỉnh nước ngoài trong ngoặc đơn. Thí dụ: Nã-Phá-Luân (Napoléon), Pháp (France), Ba-Lê (Paris).
4- Quy ước viết y dài, i ngắn
4a- Tổng quát
– Nguyên âm i ngắn và y dài viết khác nhau, nhưng khi đọc lên, nghe gần giống nhau. Theo cách phát âm, y dài phát âm dài hơn i ngắn. “chữ y gọi là y dài là có ý lấy hình chữ viết dài và âm đọc cũng dài bằng hai chữ i thường” (Trần Trọng Kim – Quốc Văn Giáo Khoa Thư – Lớp Đồng Ấu). Mặc dù khi đứng riêng rẽ một mình, i ngắn và y dài dọc gần giống nhau, nhưng khi ghép vần, lại rất khác nhau về giọng đọc cũng như về ý nghĩa. Thí dụ: i ngắn ghép với u thành ui (thui, như tối thui, thúi như hôi thúi…), y dài ghép vần với u thành uy (uy phong hay oai phong, thuý như Thuý Kiều, thuỷ như thuỷ triều, thuỵ như Thuỵ Điển…).
– Muốn thống nhất cách viết chữ Quốc Ngữ, không thể chỉ chú ý đến cách phát âm (vì các miền Bắc, Trung, Nam, Cao Nguyên và Duyên Hải Việt Nam phát âm khác nhau), mà cần chú trọng đến “chữ viết” (từ ngữ), phân biệt nghĩa lý và tự nguyên mỗi từ ngữ sao cho rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, cân đối, đẹp đẽ và trong sáng.
Thí dụ: “Nước Mĩ” và “nước Mỹ” được phát âm giống nhau. Tuy nhiên, chữ viết “nước Mỹ” cho ta khái niệm về “mỹ là đẹp, đẹp bề ngoài, khen ngợi” (HVTĐ), trong khi từ ngữ “nước Mĩ ” chỉ là cách viết theo phát âm, “nói sao viết vậy”, có lẽ không phải là ý định của người đầu tiên muốn gọi tên nước “United states of America” có tiềm năng phát triển và giàu đẹp như ngày nay.
Tương tự, “lý” và “lí” được phát âm giống nhau. Nhưng khi viết thành chữ, “lý” cho ta khái niệm về “nghĩa lý”, “có lý”, “lý luận”, “lý thuyết”… Những khái niệm này tích lũy từ sự hiểu biết nghĩa gốc (tự nguyên) của một chữ (thường là chữ gốc Hán, đôi khi có gốc Pháp hay Mỹ… ) của người có học. Viết chữ quốc ngữ theo cách phát âm “lí” (với i ngắn), không cho ta một khái niệm nào, ngoài nghĩa từ ngữ “lí nhí” là “tiếng nói rất nhỏ trong miệng, không rõ ràng”.
Theo Giáo Sư Lê Ngọc Trụ, có 4 cách thường dùng để viết chính tà. Ta bỏ qua cách viết theo giọng đọc, “nghe sao viết vậy” và cách “viết theo sự quen dùng, theo phần đông, không hiểu nguyên lý”. Chỉ còn lại “phuơng pháp phân biệt, để tránh sự lầm lẫn” và viết “theo tự nguyên, vì tiếng đó đã chuyển bên gốc một tiếng khác”.(Lê Ngọc Trụ, sách đã dẫn).
Tóm lại, những chữ i (i ngắn) và y (y dài) đều rất cần thiết trong bảng chữ cái tiếng Việt, không thể tuỳ tiện thay thế chữ nọ bằng chữ kia hoặc bỏ đi một chữ. Ta chỉ cần phân biệt nghĩa mỗi từ ngữ bằng các quy ước về chữ quốc ngữ và áp dụng hai phương pháp “phân biệt” và “theo tự nguyên” như Giáo Sư Lê Ngọc Trụ đề nghị.
4b- Quy ước:
1- Viết y dài khi đứng một mình và có nghĩa gốc (tự nguyên) Hán Việt: y phục, y tế.
2- Viết y dài đối với tên riêng (ngoại trừ tên người đã được viết bằng i ngắn): Lý Thường Kiệt, nước Mỹ, Mỹ Tho…
3- Viết y dài những từ ngữ gốc Hán Việt sau các chữ H, M, L, K, T, Qu. (Mẹo ghi nhớ theo một trường dạy Việt Ngữ tại Texas: Học Mau Lên Kẻo Ta Quên). Thí dụ: Hy vọng, mỹ thuật, lý thuyết, kỷ yếu, tỷ lệ, quý vị. (Những từ ngữ bé tí, tỉ mỉ, đi ị, í ới …viết i ngắn vì không có nghĩa gốc Hán Việt) (Trích sách Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ – Hùng Sử Việt xuất bản 2013).
Trường hợp chữ “sĩ” (sĩ quan) cũng có gốc Hán Việt, nhưng lại viết i ngắn, vì không ở trong quy ước (Học Mau Lên Kẻo Ta Quên).
Nhóm Thực Hiện Từ Điển Việt Nam tại Hải Ngoại chủ trương thống nhất chữ viết quốc ngữ (chữ Việt) bằng sự phân biệt nghĩa lý của từ ngữ, và truy tầm tự nguyên – không bằng phương pháp phát âm. Do đó chúng tôi chủ trương không gộp chung i ngắn và y dài thành i ngắn, dù chúng được phát âm giống nhau.
5- Vị trí các dấu câu
– Quy ước: Các dấu câu như dấu chấm (.), chấm phảy (;), phảy (,), hai chấm (:), chấm than (!), chấm hỏi (?), dấu chấm lửng (… ) đều viết sát kế bên chữ cuối của câu văn. Thí dụ: Anh là ai? Than ôi!, Tôi không ngờ… Các dấu ngoặc đơn ( ), dấu ngoặc kép (” “), viết sát chữ trong ngoặc. Thí dụ: “Xuân Quý Tỵ”, (2018).
– Phân biệt và sử dụng dấu gạch ngang, dấu gạch dưới và dấu nối:
Theo định nghĩa, dấu gạch ngang (và dấu gạch dưới), dài hơn dấu gạch nối.
– Dấu gạch ngang ở đầu dòng, được dùng trong thể văn kể chuyện (thay cho nhân vật), hoặc dùng để chỉ một đề mục nhỏ.
– Dấu gạch ngang ở giữa dòng, dùng để chú thích thêm cho rõ nghĩa hay rõ nơi chốn của mệnh đề trước nó. Thí dụ: Trường Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Sài Gòn – Viện Đại Học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt – đã đào tạo được nhiều chuyên viên có bằng Cao học tại Việt Nam.
– Dấu gạch dưới dùng trong điện thư (email). Thí dụ: nguyen_0389@yahoo.com
– Dấu gạch dưới cũng được dùng để nhấn mạnh (từ ngữ hoăc câu văn). Thí dụ: Sài Gòn là thủ Đô Việt Nam Cộng Hoà trước 1975.
– Dấu gạch nối dùng nối 2 từ ngữ (chữ kép hay chữ đôi). Ngày nay ít dùng hoặc không dùng dấu gạch nối khi viết tiếng Việt. Tuy nhiên khi phiên âm tiếng nước ngoài, nên dùng dấu gạch nối. Thí dụ: Ba-Lê, Hoa-Thịnh-Đốn…
– dấu chấm (.) (chấm ngắt câu, đặt ở cuối câu để chấm dứt câu viết). Chấm dứt bài văn là “chấm hết “. Dấu chấm cũng được dùng trong toán học và Inernet.
– chấm phảy (;) (dùng để ngắt câu hoặc để liệt kê. Cũng dùng thay thế các liên từ (từ nối như và, vì, bởi vì, trừ phi, trong khi). Sau dấu chấm phảy, chữ đầu câu mệnh đề sau không viết hoa.
– dấu phảy (,) (phết, dùng để ngắt câu, tạo ra những đoạn nghỉ ngắn trong một câu dài, nhiều mệnh đề, hoặc được dùng trong danh sách liệt kê). Đừng lẫn lộn “dấu phảy” với chữ “phẩy” (a có dấu mũ – phe phẩy, phẩy bụi).
– hai chấm (:) (đặt sau từ ngữ “thí dụ”, “như”, “như sau” để thí dụ, giải thích, trình bày, kê khai, trích dẫn một lời nói trực tiếp hay gián tiếp). Nếu dùng để kê khai hay liệt kê, không viết hoa.
Dấu hai chấm đặt giữa hai mệnh đề độc lập khi mệnh đề sau giải thích ý nghĩa mệnh đề trước. Câu đầu mệnh đề sau không viết hoa. Trường hợp dùng để nhấn mạnh như câu “Sau nhiều tranh cãi, biện hộ, quan toà phán: có tội!”. Ngoài ra, dấu hai chấm còn dùng chỉ giờ phút (2:15 PM), số chia (9:3=3), hoặc trong giao dịch (kính gửi: Ông Bà… )
– chấm than (!) (dùng để diễn tả cảm xúc mạnh, sự ngạc nhiên, sợ hãi hay vui buồn). Dấu chấm than cũng dùng bày tỏ sự van xin, cầu khẩn, mệnh lệnh hay khuyến khích, khuyên can. Dấu chấm than đặt ở cuối câu. Sau dấu chấm than là mệnh đề mới. nên phải viết hoa.
– chấm hỏi (?) (thể nghi vấn, đặt ở cuối câu khi hỏi trực tiếp). Câu hỏi gián tiếp không dùng dấu chấm hỏi. Sau dấu chấm hỏi là mệnh đề mới, nên phải viết hoa.
– dấu ngoặc đơn (( )) (dùng để cho thêm thông tin hay thí dụ nhằm giải thích hoặc làm rõ nghĩa của từ ngữ hay nhóm chữ đứng trước).
– dấu ngoặc kép (” “) (dùng để phát biểu lời nói trực tiếp, hoặc trích dẫn lời một danh nhân hay ai đó trong dấu ngoặc kép)..
– dấu chấm lửng (… ) (dùng để thay thế một từ hay một câu còn thiếu trong câu văn, hoặc một lời nói hay một ngụ ý mà người viết không muốn nêu lên, cốt ý để người đọc suy đoán.
VI- Kết luận
Chúng ta cùng quan niệm rằng: Nước Việt Nam là của chung cho 90 triệu đồng bào sinh sống trong và ngoài nước, không phải của riêng một tổ chức hay đảng phái nào. Cũng vậy, tiếng Việt là tiếng nói của người Việt, không phận biệt Bắc, Trung, Nam, miền thượng hay miền xuôi, trong hoặc ngoài nước.
Hiện nay tiếng Việt được ký hiệu bằng chữ viết – chữ Quốc Ngữ – là chữ viết chính thức của 90 triệu đồng bào Việt Nam. Tiếng Việt là một sinh ngữ, nghĩa là có thể phát sinh tiếng mới, có tiến triển và nếu tiếng nào quá cổ, sẽ không được ai dùng nữa. “Nói sao cho mọi người cùng hiểu, viết sao cho những thế hệ hậu sinh lãnh hội được ý tưởng trong sáng của tiền nhân”, đó chính là mục đích của một “bản quy luật viết chữ Quốc Ngữ”. Bản quy luật này phải do một Viện Hàn Lâm về ngôn ngữ quyết định. Tuy nhiên, nước Việt Nam từ khi có chữ Quốc Ngữ, cho tới ngày nay chưa có một Viện Hàn Lâm về ngôn ngữ, do đó tiếng nói, chữ viết chưa được tiêu chuẩn hoá và đang ở vào tình trạng “ai muốn nói gì thì nói, ai muốn viết gì thì viết”.
“5 quy ước viết chữ Việt” chúng tôi vừa nêu ra ở trên, không phải là những quy tắc hay quy luật bắt mọi người phải theo mà chỉ là “cách thức” viết chữ Quốc Ngữ được nhiều thầy cô giáo và người cầm bút ở hải ngoại quen dùng.
Mục đích của thầy cô giáo và những ai quan tâm tới tiếng Việt là gì, nếu không phải là muốn điều chỉnh những câu văn nghe chướng tai, những chữ viết làm gai mắt?
Hôm nay chúng ta cùng hội họp nơi đây, đã khởi đầu viết một trang sử mới về ngôn ngữ, về chữ Việt. Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta không còn “ngồi yên mà nguyền rủa bóng đêm!”. Chúng ta đã đồng lòng thắp lên một ngọn nến! Ánh sáng của ngọn nến dù chưa đủ sáng, nhưng cũng soi rõ được những khuôn mặt rạng ngời về tình yêu quê hương dân tộc, yêu tiếng mẹ ru hời từ thuở nằm nôi… yêu hai chữ Việt Nam…!
Trân trọng
Nguyễn Song Thuận