Bản Đúc Kết HNTNCTTV 1

HNTNCTTV - LOGO fixed final

Đúc Kết Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Tiếng Việt tại Hải Ngoại
tổ chức vào 2 ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2018, tại trường Coastline Community College, Garden Grove Center, Garden Grove, California Hoa Kỳ.

Trưởng Ban Đúc Kết Tiến Sĩ Cao Văn Hở 9/6/2018

Hội Nghị Thống Nhất Chính Tả Tiếng Việt tại Hải Ngoại năm 2018 đã quy tụ 138 tham dự viên, gồm các nhà chuyên môn nghiên cứu văn học, các vị quan tâm đến Tiếng Việt và những thầy cô hiện đang giảng dạy tiếng Việt tại các Trường công lập cấp Tiểu, Trung và Đại Học, các Học Khu, Trung Tâm Việt Ngữ ở Hoa Kỳ, Canada, Nhật, Úc và các nơi khác trên thế giới. Mục tiêu của Hội nghị là thống nhất chính tả chữ viết tiếng Việt tại hải ngoại, nhằm hoàn chỉnh và hệ thống hoá tiếng Việt, qua đó góp phần cho sự phát triển ngôn ngữ, gìn giữ nền độc lập và tiến bộ của dân tộc Việt Nam.
Thành phần và nhiệm vụ điều hợp và đúc kết cần tham chiếu cẩm nang Hội nghị.
Bảy đề tài thuyết trình do các diễn giả đã trình bày trước hội nghị:

7 de tai 7 dien giaNguyên tắc đúc kết là: trung thực, ý kiến được các tham dự viên đồng thuận và những điều cần bàn luận thêm trong hôi nghị lần tới. Tiến trình đúc kết là công việc chọn lọc những điều đã thuyết trình, liên quan trực tiếp đến chủ đề thống nhất chính tả Tiếng Việt. Các Thầy cô trong Ban Đúc Kết đã làm việc nhiệt thành đầy tâm huyết đã hoàn thành bản đúc kết hội nghị như sau:
Với quyết tâm của Ban Tổ Chức hội nghị là lấy ý kiến của tham dự viên về mỗi đề tài tham luận, khi có thể. Đơn cử những Quy Ước Căn Bản, trình bày trong Đề tài 2. Đây là công trình nghiên cứu rất công phu, tập hợp các kiến thức uyên bác của các bậc học giả đi trước, của tập thể giáo sư, thầy cô giáo tại các trường Việt Ngữ, nhà văn, nhà báo, do Giáo Sư Song Thuận đã thay mặt thuyết trìnhvới ước vọng các Quy Ước này được chấp thuận của Hội Nghị để làm căn bản cho việc biên soạn Từ Điển Tiếng Việt Thông Dụng tại Hải Ngoại cũng như việc thống nhất chính tả tiếng Việt.
Trong bối cảnh đó, thành quả của Hội nghị năm 2018, qua phần thảo luận sôi nổi của phần lớn tham dự viên trong hai ngày Hội Nghị, Ban Đúc Kết ghi nhận đa số tham dự viên đồng thuận các điều như sau:

I. Cần giữ gìn sự trong sáng và nét đẹp truyền thống của tiếng Việt. Những chữ mới xuất hiện trong nước nhưng thực ra có những chữ đã có từ lâu, nên phân biệt cách dùng chữ cho đúng chỗ, đúng cách, việc sử dụng các từ mới trong nước và một số tại hải ngoại hiện nay gây hỗn loạn trong ngôn ngữ tiếng Việt.
Không nên phân biệt Việt Hán hay Hán Việt vì các chữ này đã được Việt hoá, nó đã làm cho tiếng Việt phong phú, ngoại trừ dành cho mục đích nghiên cứu từ nguyên của các nhà ngữ học. Những tên địa danh như New York, Washington DC… nên dùng chữ nguyên gốc từ ngoại ngữ. Cần có một tổ chức như một Hàn Lâm Viện. Không nên dịch các tên người Tàu ra tiếng Việt rất dễ gây hiểu lầm tên người Việt và tên người Tàu.
(Tham chiếu bài thuyết trình của NBK Đỗ Thông Minh)

II. Giữ nguyên “Bảng Chữ Cái” tiếng Việt gồm 23 chữ cái (hay 40 chữ kể cả chữ biến âm và phụ âm ghép). Không chấp nhận thêm các chữ F hay chữ J vào bảng chữ cái.
(Tham chiếu bài thuyết trình của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Minh Tâm)

III. Chính tả và ngữ âm trong tiếng Việt là một biểu hiện mang tính cách tương đối của chính tả tiếng Việt: Chữ tiếng Việt không được coi là “nghe sao viết vậy”, nhưng cần theo quy luật.
(Tham chiếu Bài thuyết trình của Giáo Sư Tiến sĩ Trần Chấn Trí)
Về sắc thái ngữ âm ba miền, không chủ trương phải thay đổi cách phát âm của từng miền, nhưng cần viết đúng chính tả. Thêm nữa, viết đúng chính tả, lâu ngày, sẽ đưa tới sự giảm bớt cách phát âm sai trong phương ngữ.
(Tham chiếu Bài thuyết trình Tiến Sĩ Cao Văn Hở)

IV. Không chấp nhận sự thay đổi hay huỷ bỏ một trong hai chữ “i” và “y” vì cả hai chữ này đều cần thiết để viết chữ Việt.
V. Năm quy ước
1. Quy ước phát âm phân biệt tên chữ và âm chữ
2. Quy ước đánh dấu tiếng Việt
3. Quy ước viết hoa và phiên âm tên người
4. Quy ước viết y dài, i ngắn
5. Vị trí các dấu câu
(Tham chiếu bài thuyết trình của Giáo Sư Song Thuận).
Đại lược về nguyên tắc tổng quát, năm Quy Ước đã được chấp thuận. Năm Quy Ước này được ghi vào Quyển Kỷ Yếu Hội Nghị năm 2018 để làm tài liệu tham khảo và làm căn bản cho việc biên soạn Từ Điển.

VI- Sử dụng tiếng Hán Việt (còn gọi là tiếng Việt gốc Hán) sao cho đúng ý nghĩa. Sự chuyển ngữ/ nối kết của các chữ gồm tiếng Tàu-Việt, Việt Tàu, Tàu Tàu, Việt-Việt đã làm cho tiếng Việt thêm phong phú. Tự hào về cách làm cho phong phú tiếng Việt của tiền nhân, cách giải tự. Tiến trình nhận thức của tiếng Việt rất khác với Tàu, chúng ta luận ý suy từ, trong khi Tàu, và cả Tây Phương thì luận từ, suy ý.
(Tham chiếu bài thuyết trình của Giáo Sư Trần Ngọc Dụng)

VII- Phương pháp dạy đọc chữ không cần đánh vần, như đa số các trường công lập đang áp dụng giảng dạy, được chấp nhận, như là 1 cách giảm bớt những phức tạp cho học sinh, sinh viên, đặc biệt cho học viên quen học và dùng Anh Ngữ.
Tuy nhiên, việc gọi tên chữ cái, thí dụ: a, b, c vẫn cần giữ tên gọi là a, bê, xê chứ không lẫn lộn với âm, (như: a, b, c là a bờ cờ hoặc a, bơ, cơ)… Tên của chữ là tên của chữ, và âm đọc là âm của chữ. Âm của chữ chỉ giúp việc đọc dễ dàng, nên không thể lẫn lộn giữa tên chữ và âm chữ. Đây là 1 đề tài khá mới mẻ, dẫn đến nhiều tranh luận trong hội nghị.
(Tham chiếu bài thuyết trình của Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Văn Hải).


ĐỀ TÀI 1. NHỮNG PHỨC TẠP TRONG CÔNG VIỆC PHÁT TRIỂN TIẾNG VIỆT.

NBK Đỗ Thông Minh
Đúc kết viên: TS PHẠM KIM LONG

Tóm Lược: NBK Đỗ Thông Minh trình bày những chữ mới xuất hiện từ trong nước nhưng lưu ý rằng có những chữ thực ra đã có từ lâu như là bức xúc, và phân biệt từ (chữ) dùng đúng sai, các đảo ngữ, đặc trưng của tiếng Việt; tổng quát về việc dạy tiếng Việt tại hải ngoại. Sau cùng diễn giả nói về sự cần thiết có một cơ sở như Hàn Lâm Viện.
Phần thảo luận: phần lớn các tham luận viên đều đồng ý rằng: Nên giữ gìn sự trong sáng cúa tiếng Việt truyền thống. Việc sử dụng các từ (chữ) mới gây hỗn loạn trong ngôn ngữ tiếng Việt. Phiên họp thảo luận và đồng ý tám điểm như sau:
1. “bức xúc” là chữ đã có từ nhiều năm trước thời Việt Cộng, nhưng từ thời Việt Cộng thì được dùng một cách bừa bãi.
2. “vô hình trung” thì đúng hơn “vô hình chung” theo ý nghĩa của chữ này.
3. “viện bảo tàng” hay “bảo tàng viện” cũng đều dùng được nhưng tùy trường hợp.
4. “úy kỵ” là lo sợ và e dè. Kết quả chưa được xác định rõ ràng tại Hội Nghị.
5. Chỉ nên viết hoa cho những chữ tên riêng. Thí dụ “Chùa Từ Đàm” hay “Nhà Thờ Đức Bà” nên viết hoa vì chữ “Chùa” và “Nhà Thờ” trong trường hợp này được xem là một phần của tên riêng của các cơ sở tôn giáo đó.
6. Không nên phân biệt “Hán Việt” hay “Việt Hán” vì những chữ đó đã được Việt hoá thành Việt ngữ làm cho tiếng Việt trở nên phong phú hơn.
7. Những tên địa danh như New York, Washington DC…thì nên dùng chữ nguyên gốc từ ngoại ngữ.
8. Nên thống nhất cách dùng các ngoặc đơn, ngoặc kép, ngoặc vuông, dấu chấm than, dấu chấm hỏi, v.v…


ĐỀ TÀI 2. QUY ƯỚC THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ CHỮ VIỆT

GS Nguyễn Song Thuận
Đúc kết viên: NV Lê Anh Dũng

Tóm Lược: GS Song Thuận đề nghị phương pháp và mẹo luật được áp dụng cho việc thống nhất chính tả với chủ trương viết chính tả theo ý nghĩa và sự phân biệt, không theo cách phát âm, dùng các mẹo đội nón, mẹo dùng sức, mẹo hỏi ngã: Cô Huyền mang nặng, ngã đau, Cậu ngang sắc mắc, hỏi sao thế này? Diễn giả đề cập các vần tiếng Việt đơn, ghép đôi, và ghép ba, cùng 16 vần có bốn chữ cái thông dụng, cách tách vần và ghép vần. Diễn giả trình bày năm quy ước viết chữ Việt
1. Quy ước phát âm phân biệt tên chữ và âm chữ
2. Quy ước đánh dấu tiếng Việt
3. Quy ước viết hoa và phiên âm tên người
4. Quy ước viết y (dài), i (ngắn)
5. Vị trí các dấu câu
Phần thảo luận: các tham luận đều đồng ý
a. nên phân biệt nghĩa lý và từ nguyên của mỗi từ ngữ sao cho dễ hiểu dễ nhớ;
b. y dài là một nguyên âm khi đứng một mình như y phục, y tế.
c. Áp dụng mẹo nhớ y dài trong các từ gốc Hán Việt “Học Mau Lên Kẻo Ta quên” H M L K T Q

1 – Tham Dự Viên NC Lượng: Y, Nguyên âm thứ 6. Tham Dự Viên Thanh Loan: Có thể là nguyên âm hay phụ âm
2 – I là I mà Y là Y chứ không lộn xộn
GS Thuận: Nguyên âm phải có nghĩa – y đứng một mình hay tiếng Hán Việt
3 – chữ quý hay quí –
4 – Thầy Bích: theo thói quen về y hay i
5 – gốc la tinh: thư viện Mã Lai, các cha nghe theo âm
6 – âm kéo dài 2 lần i thành y
7 – tách chữ như thế nào để diễn tả được chữ đó
8 – BS Sơn: Nên cho nhiều thí dụ – Diễn giả trả lời: chỉ đề nghị quy ước
9 – Phải cần nhiều năm bàn cãi
10 – Tham dự viên Yên Sơn TX: Nên đưa ra nguyên tắc chung
11 – Song Thuận: Phương pháp so sánh chung
12 – viết hoa: Ngày tháng năm -tên riêng

Biểu quyết:
âm oa – ao – oe đánh dấu ở chữ nào – Diễn giả trả lời: chữ cuối


ĐỀ TÀI 3. MỘT SỐ ĐIỂM CHÊNH LỆCH GIỮA CHÍNH TẢ VÀ NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT

GS Tiến Sĩ Trần Chấn Trí
Đúc kết viên: Cô Huỳnh Trâm Anh

Tóm Lược: GS TS Trần Chấn Trí nhận xét những điểm chênh lệch giữ chính tả và ngữ âm trong tiếng Việt cho thấy tính cách tương đối của chính tả tiếng Việt.
Sự chênh lệch giữa chính tả và ngữ âm tiếng Việt được ghi nhận qua những trường hợp sau đây:
1. Một âm được biểu hiện bằng nhiều chữ cái.
Một trong những ví dụ của trường hợp này là âm [k] được biểu hiện bằng ba chữ cái “c”, “k” và “q”. Để ước lệ hoá cách dùng ba chữ cái này, ba luật lệ được xác định là:
1.1 “c” đứng trước các chữ cái biểu hiện nguyên âm giữa và sau (a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư) (cá – cắn – câu – co – cô – cơ – cu – cư) hay đứng ở cuối vần (các – cúc – cốc).
1.2 “k” đứng trước cái chữ cái biểu hiện nguyên âm trước (i, y, e, ê) (kinh – kỳ – kẹo – kết).
1.3 “q” đứng trước bán nguyên âm [w]. được biểu hiện bằng chữ “u” (quà – quý – quân).
2. Một chữ cái được biểu hiện bằng nhiều âm.
Trong những ví dụ dưới đây, chữ “a” trong chính tả tiếng Việt được dùng để biểu hiện ba âm khác nhau.
2.1 Chữ “a” biểu hiện nguyên âm [a]
Trường hợp này tìm thấy trong đa số các cấu trúc vần như vần mở (ca, la, qua, hoa), vần khép bằng đa số các phụ âm (can, lang, tam, cát, hạp) hay bằng bán nguyên âm [j,w] (hai, lai, hao, lao).
2.2 Chữ “a” biểu hiện nguyên âm [ɐ]
Ký hiệu phát âm [ɐ] chính là chữ “ă” trong chính tả. Trong trường hợp này, nhiều chữ đáng lẽ phải viết với chữ “ă” hay âm [ɐ] mà vẫn viết với chữ “a”. Luật lệ áp dụng trong trường hợp này là âm [ɐ] vẫn được viết là “a” khi theo sau là chữ “u” (cau, lau) hay chữ “y” (cay, lay) và phụ âm mũi viết là “nh” (nhanh, lanh).
2.3 Chữ “a” biểu hiện bán nguyên âm [ə]
Trong những chữ như “kia”, “mua”, “xưa”, chữ “a” không được phát âm trọn vẹn mà gần giống như cách phát âm của chữ “ơ”. Đó là vì những chữ trên có chứa nhị trùng âm, gồm một nguyên âm [i, u, ɯ] và một bán nguyên âm nghe như nửa của âm [a], được ký hiệu bằng [ə].
3. Có chữ mà không có âm như âm /g/ được phát âm bằng chữ cái “g” trước các phụ âm giữa và sau ga, gân, go, gô … và bằng chữ ghép “gh” trước các phụ âm trước ghe, ghê, ghi…
4. Có âm mà không có chữ như âm /m/ ở cuối vần.

Phần thảo luận: Bài thuyết trình khá thống nhất với quy định về chính tả và ngữ âm tiếng Việt. Đúc kết viên ghi nhận có vài câu hỏi được đặt ra làm sáng tỏ với giảng nghĩa thêm của diễn giả.
Giáo Sư Phạm Văn Hải đề nghị Giáo Sư Trần Chấn Chí xem xét lại âm lướt.
Ví dụ: ư — cười , âm “ư “được xem là lướt trong chữ “ cười”.
Kết luận chung: Chữ tiếng Việt không được coi là “ nghe sao viết vậy”, nhưng cần theo quy luật.


ĐỀ TÀI 4. THỐNG NHẤT CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT VÀ NGỮ ÂM CỦA PHƯƠNG NGỮ BA MIỀN

GS Tiến Sĩ Cao Văn Hở hvc_bus@yahoo.com
Đúc Kết Viên: GS Võ Minh Phượng

Tóm lược: Trong đề tài này, GS Cao văn Hở nhấn mạnh việc thầy cô là những chiến sĩ văn hóa, bảo vệ và giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ sau.

GS cũng trình bày cặn kẽ về âm tiết. Tiếng Việt là một ngôn ngữ âm tiết tính (nói một hơi thôi). Âm cuối (phụ âm) thay đổi khiến cho ngôn ngữ được thêm phong phú. Chúng ta cần lưu ý và hướng dẫn cho các học trò có thể tìm hiểu sâu rộng cũng như biết đến những người đã và đang nghiên cứu về tiếng Việt, để các em có thể học hỏi thêm từ những vị đã bỏ tâm trí ra để tìm tòi và truyền bá, diễn đạt những âm tiết của tiếng Việt. GS đưa ra một số dẫn dụ cụ thể trong văn chưong như bài “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến, hay tác phẩm “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng, hoặc những công trình soạn thảo công phu cho “Đệ Tam Cộng Hòa”, cho xã hội Việt Nam mai sau khi không còn Cộng Sản như tài liệu “Hiến Pháp Dân Chủ cho Đệ Tam Cộng Hòa” của GS Cao văn Hở. GS khuyên các Thầy cô nên mở những Sổ Tay Âm Tiết sống cho chính mình cũng như hướng dẫn cho các học sinh tập dùng những Sổ Tay Âm Tiết để trau giồi, có thêm vốn liếng về âm tiết. Mọi thảo luận và hướng dẫn cách thiết lập Sổ Tay Âm Tiết: xin liên lạc qua e-mail hvc_bus@yahoo.com.

GS Cao Văn Hở mở đầu bài thuyết trình bằng nhận định rằng:

1 Ngôn ngữ riêng là một thành trì kiên cố giúp cho dân tộc Việt chống sự đồng hoá của ngoại bang từ phương Bắc.
2 Các Thầy cô đang giảng dạy tiếng Việt cho các con em, đang đảm nhận vai trò của những chiến sĩ văn hoá giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ sau.
3 Đặc điểm của Tiếng Việt và chữ viết Tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn lập (isolating language), tức là một ngôn ngữ cách thể, mỗi tiếng mang một âm tiết được phát âm tách rời nhau. Âm tiết của mỗi tiếng được phát ra với một thanh điệu và tách rời với âm tiết khác. Tiếng Việt là một ngôn ngữ âm tiết tính. Mỗi âm tiết được phát âm liền một hơi, có thể phân tách là một cấu tạo lắp ghép gồm từng bộ phận.
4 Diễn giả nhấn mạnh về cấu tạo âm tiết tiếng Việt và đề nghị đó là phương cách dễ hiểu để làm quen với cơ cấu tiếng Việt một cách mau chóng. Biết được cấu tạo âm tiết và 4 loại vần của tiếng Việt – vần đơn, vần ghép đôi, vần trơn và vần cản là có thể nắm vững, hiểu được nền móng căn bản của cách đọc tiếng Việt và viết chữ Việt một cách nhanh chóng.

Hội luận: Phần thảo luận và câu hỏi cùng trả lời của dỉễn giả:

1. Về sắc thái ngữ âm ba miền, diễn giả không chủ trương phải thay đổi cách phát âm của từng miền, nhưng cần viết đúng chính tả. Đa số tham luận viên tán đồng giải pháp này. Thêm nữa, có một số ý kiến cho rằng khi việc viết đúng chính tả, lâu ngày, sẽ đưa tới sự giảm bớt cách phát âm sai trong phương ngữ.
2. Đáp ứng câu hỏi của tham dự viên về thanh điệu hỏi ngã của chữ viết tiếng Việt, diễn giả nêu ra 9 quy lệ căn bản cho tiếng Hán Việt và tiếng Nôm thuần Việt, ghi trong Cẩm Nang hội nghị.


ĐỀ TÀI 5. PHỤ ÂM TRONG TIẾNG VIỆT

GS Tiến Sĩ Trần Minh Tâm
Đúc kết viên: Cô Huỳnh Trâm Anh

Tóm lược: GS Trần Minh Tâm mở đầu bằng định nghĩa phụ âm và tính cách phụ thuộc vào nguyên âm. Diễn giả phân loại ba loại gồm 17 phụ âm đơn, như là c, n, 10 phụ âm ghép đôi như là ch, ng, và 1 phụ âm ghép ba ngh. Về vị trí, phụ âm có thể ở vị trí đầu của một chữ, vị trí cuối của một chữ, và vị trí đầu hay cuối cúa một chữ.

Diễn giả đề cập tới vài khả năng thay đổi một vài chữ cái phụ âm trong tiếng Việt với những thuận lợi và bất tiện.

Phần thảo luận: chỉ có 1 câu hỏi đặt ra:
Có nên thay đổi “ph—-> f, gi—-> z”
Sau nhiều tranh luận từ tham dự viên cũng như trao đổi với nhau. Kết quả sau cùng là đại đa số không muốn thay đổi “ ph—-> f, gi——> z”
Như vậy vể chữ cái của tiếng Việt vẫn giữ nguyên 24 chữ cái.


ĐỀ TÀI 6. TÌM HIỂU TỪ NGỮ GỐC “HÁN”

GS TS Trần Ngọc Dụng
Đúc kết viên: GS Võ Minh Phượng

Tóm lược: GS nói Tiếng Hán Việt được dùng để chúng ta tránh việc bị đồng hóa khi Tàu đô hộ, vì cách viết và nói khiến người Tàu không thể hiểu được. Sự chuyển ngữ/ nối kết của các chữ gồm tiếng Tàu-Việt, Việt Tàu, Tàu Tàu, Việt-Việt đã làm cho tiếng Việt thêm phong phú.

GS đưa ra đề nghị rằng chúng ta cứ hãy dùng chữ đã có sẵn trong tự điển, và nên tránh những tiếng Hán Việt sau này đang dùng trong nước.
GS cũng đã dùng Kahoot game để thầy cô chơi và học thêm định nghĩa của một số chữ.

Hội luận

– Tham Dự Viên Nguyễn Công Lượng góp ý kiến là có thể chúng ta đã tự hào quá đáng, và việc này có thể nguy hiểm cho việc dịch thuật, ví dụ như “Hạ Dương Châu”, được dịch là xuống Dương Châu, nhưng có nghĩa là từ Dương Châu xuống.

GS Trần Ngọc Dụng đã trả lời rằng cách nói của người Việt rất khác ví dụ tôi đi khám bác sĩ, không có nghĩa là chúng ta “khám bác sĩ” mà để được bác sĩ khám.

– Tham Dự Viên Nguyễn Chánh đồng ý với sự tự hào về cách làm cho phong phú, cách giải tự. Tiến trình nhận thức của tiếng Việt rất khác với Tàu, chúng ta luận ý suy từ, trong khi Tàu, và cả Tây Phương thì luận từ, suy ý.

– Tham Dự Viên Nguyễn Thanh Loan đặt câu hỏi rằng chúng ta nên gọi người/ nước Tàu cách nào là đúng nhất? Có nên dùng Ba Tàu? Và câu trả lời cứ gọi họ là người/ nước Tàu, bình thuờng ; và gọi là Trung Cộng nếu muốn nói rõ đường lối chính trị. Cũng không nên dùng chữ chệt , xẩm, hay “ba tàu” vì nó hàm nghĩa khinh miệt (như ba que, ba xạo)

– NBK Đỗ Thông Minh cũng góp ý rằng nên cẩn thận với những tiếng dùng sau này ví dụ như “đảm bảo” (Tàu và Nhật dùng), đối với “bảo đảm” , có hai nghĩa rất khác nhau.

– Tham Dự Viên GS Nguyễn Ngọc Sáng khẳng định rằng tiếng Hán Việt không thể bỏ được.

– Tham Dự Viên Billy Lê có đặt câu hỏi về sự khác biệt, nếu có, giữa “hộ chiếu” và “giấy thông hành” để nói về passport. GS Trần Ngọc Dụng trả lời : nên dùng “giấy thông hành” trong cộng cồng người Việt và dùng “hộ chiếu” với những người trong cơ quan hành chính bên VN.

– Đa số cử tọa vẫn muốn giữ tiếng Việt truyền thống và mọi người cố tránh dùng những chữ sai về nghĩa cũng như bị lạm dụng trong, và cả ngoài nước.


ĐỀ TÀI 7. ĐỌC CHỮ CÁI

GS Tiến Sĩ Phạm Văn Hải
Đúc kết viên: Cô Bửu Trâm

Tóm Lược: GS Phạm Văn Hải đặt câu hỏi “Tại sao người Việt không có cách đọc chữ cái?” Thông thường người Việt đọc “âm ta, nhưng tên tây” như a bê xê (a b c). GS Hải nhấn mạnh rằng “Tây không có dấu huyền” như trong lờ, mờ, tờ, rờ…Cách đọc chữ Quốc-ngữ không thể vay mượn, hay được Việt-hoá. Cách đọc chữ cái được đề nghị theo khoa-học tiếng nói và phương pháp tự nhiên. Theo phương pháp của GS Phạm Văn Hải:
1. Chữ viết tiếng Việt hiện nay có thể thấy qua bốn phần:
– Âm chính (nguyên-âm, mẫu-âm)
– Âm kèm (phụ-âm, tử-âm, vệ-âm)
– Âm nửa (bán-âm, âm lướt, âm trượt)
– Thanh (hay thinh)
2. Đốt âm tương đương như âm-tiết

Hội Luận: Đúc kết viên ghi nhận 6 câu hỏi đặt ra về cách ‘đánh vần’ tiếng Việt đã được phân tích, giải thích từ Diễn-giả. Diễn-giả nhận thấy việc đánh vần không cần thiết, quan trọng nhất là phải biết âm chính. Diễn-giả chú thích: Đây là việc làm của Diễn giả trong 58 năm. Đây là phương pháp tự nhiên, không đòi hỏi phải theo. Nhưng nếu thấy đúng, xin cho biết và nếu sai, xin cho biết.

Thêm vào đó, có nhiều góp ý từ tham dự viên và ban tổ chức. Đa số nhận định rằng phương pháp của GS Phạm Văn Hải dùng để dạy tiếng Việt là suy nghĩ mới, còn đang được tham khảo và đề tài này có thể được tiếp tục tìm hiểu thêm. Các tham dự viên cám ơn GS Hải cho bài học mới./.

Trưởng Ban Đúc Kết Tiến Sĩ Cao Văn Hở 9/6/2018